06:00 10/11/2021

Kiến nghị chuyển 100.000 tỷ đồng "đầu tư công chưa dùng" sang hỗ trợ doanh nghiệp và chống dịch

Quang Trung

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng số tiền 100.000 tỷ đồng này có sẵn đó chính là trong đầu tư công chưa dùng hết hơn vì điều kiện không cho phép...

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 9/11, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM), cho biết trong làn sóng dịch lần thứ 4, TP.HCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, bình quân chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 0,7%), tức 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng.

100.000 TỶ ĐẦU TƯ CÔNG CHƯA DÙNG

Theo đại biểu, mặc dù TP.HCM dự báo tăng trưởng âm 5% năm 2021, song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn. Thiết bị công nghệ, máy móc của 288.000 doanh nghiệp vẫn còn nguyên, các lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động vẫn còn nguyên. Hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, nước, các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế cơ bản còn nguyên, quan hệ với các địa phương Trung ương tốt hơn, ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn.

“Đoàn tàu kinh tế TP.HCM còn nguyên đầu tàu và các toa tàu đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu, 8% thì đã về quê. Như vậy, đoàn tàu cần kinh phí mua dầu để chạy trở lại. Khi tàu đã chạy trở lại, thì bán được vé, có tiền trả nợ vay”, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân ví von.

Đại biểu dự báo, trong số 288.000 doanh nghiệp và 400.000 hộ kinh doanh của TP.HCM, khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ và 80% cần hỗ trợ của nhà nước để có đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ/doanh nghiệp, 25 triệu/hộ kinh doanh cá thể.

Theo tính đoán của đại biểu, cần có tổng mức vay 440.000 tỷ để hỗ trợ hầu hết doanh nghiệp này khởi động lại.

“Việc hỗ trợ để vay được 940.000 tỷ đồng thông qua việc giảm 3% lãi suất vay thì tốn khoảng 28.200 tỷ đồng, nếu so với số thuế mà các doanh nghiệp này đóng góp hàng năm 277.000 tỷ thì gấp 9,8 lần số tiền chúng ta hỗ trợ”, đại biểu đoàn TP.HCM phân tích và kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp.

“Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100.000 tỷ đồng, dự kiến còn 100.000 tỷ đồng, thiếu 100.000 tỷ đồng. Số tiền 100.000 tỷ đồng này có sẵn. Đó chính là trong đầu tư công chúng ta còn chưa dùng hết hơn vì điều kiện không cho phép để thực hiện”.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch, sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc trong thời gian tới. 

NỚI TRẦN NỢ CÔNG, TĂNG BỘI CHI NGÂN SÁCH

Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cho rằng so với yêu cầu và mặt bằng chung thì các gói hỗ trợ kích thích được ban hành thời gian qua chưa đảm bảo tính toàn diện và bền vững. Do đó, đại biểu kiế nghị cần tính toán căn cơ, đánh giá tổng thể nhu cầu hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, kể cả hiện có và phải đi vay. Từ đó, đưa ra các gói kích thích kinh tế đủ lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được những mục tiêu.

Đại biểu Hà Đức Minh - Ảnh: TTXVN
Đại biểu Hà Đức Minh - Ảnh: TTXVN

Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét tăng bội chi ngân sách thêm khoảng 100.000 tỷ đồng - tương đương khoảng 1% GDP - để có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trong khi vẫn giữ ngân sách nhà nước trong giới hạn an toàn.

"Việc tăng bội chi ngân sách nên thực hiện ngắn hạn là khoảng 3 năm từ năm 2022 đến năm 2024 và cần phải đặt trong chương trình tổng thể, phục hồi về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực nội tại", đại biểu kiến nghị. 

Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị nới trần nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn phục vụ cho quá trình vừa chống dịch, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, nên đẩy mạnh công cụ vay nợ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất còn thấp như hiện nay để chi phí vay nợ không cao, không gây áp lực lớn về dài hạn.

"Theo đánh giá Việt Nam những năm gần đây luôn được các tổ chức quốc tế tín nhiệm về an toàn nợ, trong đó có nợ công. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét nới nợ công lên khoảng 50 đến 52% GDP, theo quy định thì ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Việc nới nợ công này có thể kéo dài khoảng 3 năm để xem xét những diễn biến tiếp theo của đại dịch cũng như những biến động của nền kinh tế vĩ mô", đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai kiến nghị.