15:15 06/05/2008

Kiến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón

M. Chung- T. Nhung

Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng xuất khẩu phân bón do dự báo căng thẳng nguồn cung trong nước

Dự báo nhu cầu phân bón sẽ tiếp tục căng thẳng đến năm 2010.
Dự báo nhu cầu phân bón sẽ tiếp tục căng thẳng đến năm 2010.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng xuất khẩu phân bón do dự báo căng thẳng nguồn cung trong nước.

Theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, vụ Hè - Thu 2008, cả nước cần khoảng 400.000 tấn Urê và hai triệu tấn phân bón các loại. Khi bước vào sản xuất vụ Đông - Xuân tới, chỉ riêng nhu cầu về phân Urê cũng sẽ tăng lên khoảng 450.000 tấn.

Trong khi đó, với năng lực sản xuất hiện tại, các nguồn trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu về Urê; còn lại 100% phân bón các loại như DAP, SA, Kali đều phải nhập khẩu. Theo đó, tình trạng căng thẳng về phân bón dự báo sẽ còn kéo dài tới năm 2010.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có định hướng cho kế hoạch sản xuất và nhập khẩu phân bón từ nay tới 2010; trong đó đẩy mạnh phát triển sản xuất phân hữu cơ, cải tiến công nghệ sản xuất N-P-K chất lượng cao thay thế DAP nhập khẩu, ngừng xuất khẩu cũng như tạm nhập tái xuất đối với tất cả các loại phân bón.

Ông Thúy cũng cho biết hiện giá phân bón các loại đã tăng từ 20 – 30%. Giá phân Urê bình quân trên cả nước có từ 7.200- 8.700đ/kg, có nơi 9.000đ/kg; giá Kali từ 12.000- 13.500đ/kg, DAP từ 22.500đ- 24.000đ/kg, Lân 3.000- 3.500đ/kg.

Nguyên nhân, theo ông Thúy, là do cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc (nước cung cấp 1/5 lượng phân bón toàn thế giới) đột ngột tăng thuế suất đối với phân bón từ 35% lên 135%, đẩy giá trong nước tăng theo.

Ông Thúy phân tích: Mỗi tấn Urê sản xuất trong nước sẽ giảm được cước vận chuyển, phí bảo hiểm và thủ tục hải quan… nên giá thành sẽ thấp hơn so với hàng nhập khẩu từ 110 – 120 USD/tấn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp “té nước theo mưa”, nâng giá bán gần với giá thế giới khiến nông dân càng thêm khó khăn khi chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.