07:00 13/06/2022

Kinh tế biển và ven biển đang trở thành động lực tăng trưởng

Khánh Vy

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, kinh tế biển và ven biển dần trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước…

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2022 và nhằm đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 12/6, tại Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022”, từ đó kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới.

KINH TẾ BIỂN CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên khẳng định, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước.

Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với không ít các vấn đề về phát triển, Việt Nam không chỉ đối mặt với những thách thức chung mà còn là một nước đang phát triển nhanh nên phải đối mặt với các nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển vươn lên, các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường …

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới.

Phát biểu khai mạc Diễn dàn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển.

Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện.

Năm 2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành “Chiến lược biển Việt Nam”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

VẪN CÒN NHỮNG YẾU KÉM MÀ CHỦ YẾU LÀ DO CHỦ QUAN

Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Từ đó, nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt…

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng. Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững...

Những yếu kém trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đối khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan.

Đó là tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá trong Nghị quyết chưa được bố trí phù hợp; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng như: quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ.

TẠO LẬP CHÍNH SÁCH HỢP LÝ, HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của đại dương, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, “ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn”.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như kiến tạo môi trường chính sách hợp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh để khai thác bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút, huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển mới như:  điện gió ngoài khơi, nuôi, đánh bắt xa bờ, tập trung thăm dò, khai thác các loại khoáng sản chiến lược…; khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo…

Đồng chí Trần Tuấn Anh, đồng chí Phạm Đại Dương cùng các đại biểu lắng nghe ý kiến của các diễn giả tham gia Diễn đàn.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, đồng chí Phạm Đại Dương cùng các đại biểu lắng nghe ý kiến của các diễn giả tham gia Diễn đàn.

Còn theo đồng chí Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết mặc dù vùng biển Việt Nam có nhiều lợi thế như trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng hải sản với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như rong tảo, trai ngọc, tôm hùm, các loại cá biển, nhuyễn thể… những sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, phát triển kinh tế biển gặp không ít khó khăn.

Đó là trở ngại như nhiều quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến biển căn cứ vào quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, nhưng đến nay cả 2 quy hoạch mới chỉ bắt đầu quá trình xây dựng, trong khi thời gian các quy hoạch khác phải trình là tháng 12/2021; nhiều chương trình, đề án thực hiện Chiến lược biển đã được xây dựng nhưng nguồn lực triển khai thực hiện chưa nhiều; dự báo và điều tra nguồn lợi thủy sản còn nhiều hạn chế…

Là một doanh nghiệp nhà nước với vai trò nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị khẳng định một trong những chủ trương lớn và khâu đột phá tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là ưu tiên kinh tế hàng hải đứng thứ hai trong việc phát triển các ngành kinh tế biển.

Nhằm gia tăng năng lực khai thác, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, Tổng công ty tập trung đầu tư phát triển để hình thành ít nhất 3 trung tâm logistics lớn tại khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn), miền Nam (khu vực Cái Mép - Thị Vải, Đồng bằng sông Cửu Long).

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động đầu tư phát triển hệ thống ICD, kho bãi mới còn chậm do khả năng tiếp cận quỹ đất tại các vùng kinh tế trọng điểm gặp nhiều khó khăn vì hạn chế về quỹ đất và giá đất tăng cao. Các doanh nghiệp rất khó xác định, tìm kiếm được khu vực vừa có quỹ đất phù hợp, vừa đảm bảo khả năng kết nối giao thông thuận lợi, vừa nằm gần nguồn hàng, có đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, có diện tích tối thiểu 5 ha đối với các cảng cạn hình thành mới theo quy định. Vì vậy, VIMC rất mong những khó khăn, vướng mắc này sớm được giải quyết trong thời gian tới.