06:00 12/06/2022

Phát triển kinh tế biển, Phú Yên cần lưu ý đến lợi thế động

Khánh Vy

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý Phú Yên không chỉ chú ý đến lợi thế tĩnh mà còn lợi thế động, nhất là liên kết phát triển vùng và trong bối cảnh phát triển công nghiệp 4.0…

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát Ban Kinh tế Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát Ban Kinh tế Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, ngày 11/6/2022, Đoàn Giám sát Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về chương trình “Giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là những năm gần đây, nhiệm vụ phấn đấu để nước ta trờ thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển.

Đồng chí khẳng định, sau khi đi khảo sát và chứng kiến các hoạt động tại Cảng Vũng Rô; công tác chuẩn đầu tư xây dựng Cảng Bãi Gốc; hoạt động của Khu Công nghiệp Hoà Hiệp; hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng… cho thấy, Phú Yên đã rất nỗ lực, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trước những yêu cầu đặt ra đối với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, nhất là các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra, việc đòi hỏi Phú Yên phải có những đột phá trong thời gian tới.

TỈNH ĐẦU TIÊN CÓ BIỂN TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW, đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên bày tỏ vui mừng vì Phú Yên là tỉnh đầu tiên có biển trong chương trình giám sát về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.

Là 1 trong 28 tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế biển, do vậy, ngay sau khi BCHTW ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/3/2019 về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, theo đó phấn đấu đưa Phú Yên thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế Biển; Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên…

Theo báo cáo sơ bộ tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Tỉnh Phú Yên, qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển.

Cụ thể: Tỉnh Phú Yên đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; tập trung rà soát, thống nhất, tích hợp toàn bộ quy hoạch ngành vào quy hoạch tỉnh, trong đó chú ý về quy hoạch các địa phương ven biển, định hướng liên kết phát triển kinh tế liên vùng, liên tỉnh; từng bước củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển quan trọng đột phá như: Ngành thủy sản, du lịch, vận tải biển, năng lượng,… đặc biệt là Khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW cũng còn không ít tồn tại, hạn chế. Việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc triển khai rà soát, tích hợp quy hoạch tỉnh còn chậm nên khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư. Cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển đảo chưa đầy đủ, thiếu nhiều thông tin cần thiết để phục vụ cho lập kế hoạch sử dụng không gian biển, Kế hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ; các ngành kinh tế biển quan trọng, đột phá, công nghiệp ven biển, khu kinh tế của tỉnh khai thác kém hiệu quả, chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có của tỉnh…

ĐẶC TRƯNG CỦA PHÚ YÊN CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY HẾT

Phát biểu thảo luận tại buổi làm việc, hầu hết các thành viên trong Đoàn Giám sát nhất chí và đánh giá cao Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Tỉnh ủy Phú Yên, đồng thời cũng tham gia nhiều ý kiến, chỉ ra được những hạn chế, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến về khó khăn của các tỉnh về vấn đề quy hoạch không gian biển; việc triển khai rà soát, tích hợp quy hoạch của Phú Yên còn chậm nên khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, chưa có các nhà đầu tư lớn…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đặt vấn đề việc Phú Yên nên nghiên cứu đưa lĩnh vực phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo lên vị trí quan trọng hơn như hiện nay mới phù hợp với tiềm năng của Phú Yên cũng như xu thế hiện nay. Hay như việc liên kết các tỉnh lân cận, các tỉnh trong vùng; phát triển các khu công nghiệp ven biển còn yếu, quy mô nhỏ nhưng chưa kết nối, liên kết thành chuỗi.

Điện diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những thuận lợi của Phú Yên trong việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trong những năm qua nhưng lại còn yếu về khâu chế biến nên đề nghị Phú Yên chú ý đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, bày tỏ vui mừng khi đến Tuy Hòa, thấy diện mạo của Phú Yên có nhiều thay đổi, nhất là sau khi nghiên cứu kỹ Báo cáo của Tỉnh ủy Phú Yên cho thấy là 1 trong những báo cáo chất lượng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, so với các tỉnh, thành khác, Phú Yên có nhiều tiềm năng, tài nguyên để phát triển (hệ sinh thái biển) thể hiện đặc trưng của Phú Yên nhưng Phú Yên còn chưa thực sự phát huy được hết...

Đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên giới thiệu Dự án Cảng Bãi Gốc với Đoàn Giám sát.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên giới thiệu Dự án Cảng Bãi Gốc với Đoàn Giám sát.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập tới nhiều nội dung khác như: Việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng; hạn chế trong thực hiện liên kết phát triển vùng; cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển đảo chưa đầy đủ, thiếu nhiều thông tin cần thiết để phục vụ cho lập kế hoạch sử dụng không gian biển, Kế hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ; các ngành kinh tế biển quan trọng, đột phá, công nghiệp ven biển, khu kinh tế của tỉnh khai thác kém hiệu quả, chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có của tỉnh.

TẬN DỤNG NHIỀU LỢI THẾ ĐỂ THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng báo cáo đã bám sát đề cương giám sát, nhất là sự vào cuộc, triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh uỷ Phú Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đồng chí khẳng định, trên cơ sở báo cáo của Tỉnh và những nội dung trao đổi tại buổi làm việc đã củng cố, bổ sung những nội dung quan trọng trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, giúp Đoàn Giám sát hiểu rõ hơn những vấn đề thực tiễn về phát triển kinh tế biển trên địa bàn Tỉnh.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng cơ bản đồng tình với ý kiến phát biểu, đóng góp thẳng thắn, sâu sắc, những gợi ý, phân tích của các đại biểu về những tiềm năng cũng như những khó khăn nhằm giúp Phú Yên thực hiện tốt hơn nữa Chiến lược kinh tế biển gắn với Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục chia sẻ, ủng hộ và phối hợp với địa phương để giúp Phú Yên phát huy tinh thần sáng tạo, quyết liệt thực hiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng.

Đồng tình với 6 nhóm giải pháp của tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý Tỉnh Phú Yên nên quan tâm một số tiềm năng, lợi thế của Phú Yên về biển, phát triển du lịch, cần phát triển hài hòa giữa phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Phú Yên không chỉ chú ý đến lợi thế tĩnh mà còn lợi thế động, nhất là liên kết phát triển vùng; yêu cầu Phú Yên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới; đặt ra những yêu cầu, định hướng phát triển trong bối cảnh phát triển công nghiệp 4.0, bối cảnh trong nước và quốc tế.

Đồng chí cũng lưu ý về công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân làm tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm hơn đến phát triển giao thông để đáp ứng khả năng tăng công suất của cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc… từ đó mới dễ thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.