10:16 06/10/2008

Kinh tế Mỹ có thể suy thoái kéo dài

Trung Việt

IMF chỉ ra rằng, sự đổ vỡ trong ngành ngân hàng là tác nhân lớn có thể dẫn tới tình trạng suy thoái kinh tế đáng kể tại Mỹ

Báo cáo của IMF nhận định: "So sánh tình hình căng thẳng tài chính hiện nay với các diễn biến liên quan tới lĩnh vực ngân hàng trước đây, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy sụp mạnh và thậm chí suy thoái".
Báo cáo của IMF nhận định: "So sánh tình hình căng thẳng tài chính hiện nay với các diễn biến liên quan tới lĩnh vực ngân hàng trước đây, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy sụp mạnh và thậm chí suy thoái".
Kế hoạch giải cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua với kỳ vọng giúp nước Mỹ vượt qua “bão tài chính”. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, Mỹ có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng và kéo dài.

Sau gần một tuần thương lượng, điều chỉnh, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật “giải cứu” thị trường tài chính đã sửa đổi, trị giá 700 tỷ USD, vào sáng 4/10 theo giờ Việt Nam.

Giải pháp tài chính hiện nay là đúng hướng

Dự luật vừa thông qua đã được sửa đổi so với bản dự luật Hạ viện đã bác bỏ hôm 29/9 và cũng đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Theo đó, đưa ra một gói các khoản miễn thuế 150 tỷ USD cho các doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu Mỹ; đồng thời nâng mức trần bảo hiểm liên bang đối với mỗi tài khoản tiền gửi ngân hàng từ 100.000 USD lên 250.000 USD như là một biện pháp tạm thời để trấn an người gửi tiền và ngăn chặn việc rút tiền ồ ạt.

Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính này cũng cho phép chính quyền Mỹ chi nhiều tỷ USD để mua lại các chứng khoán liên quan đến hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn cũng như các tài sản mất giá khác thuộc sở hữu của những thể chế tài chính đang lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật, Tổng thống Bush đã ký phê chuẩn và có bài phát biểu hoan nghênh hành động của Quốc hội nước này. Ông  cho rằng, dự luật này có ý nghĩa quan trọng vì nó sẽ “giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua cơn bão tài chính”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cũng cam kết nhanh chóng triển khai kế hoạch giải cứu.

Trong khi đó, Chủ tịch FED Ben Bernanke khẳng định, việc Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch giải cứu là một bước đi quan trọng trong việc ổn định thị trường và phục hồi hoạt động tín dụng.

Ngay trước khi Hạ viện Mỹ thông qua kế hoạch cứu trợ tài chính sửa đổi kể trên, IMF đã công bố báo cáo, cho rằng, giải pháp cứu trợ tài chính của Mỹ là một hành động đúng hướng. Cùng với những đánh giá không mấy khả quan của IMF, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cũng vừa ra thông cáo nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc Chính phủ Mỹ và các nước hành động mạnh mẽ hơn nhằm "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là cần thiết và rất quan trọng.

Tuy nhiên, báo cáo của IMF chỉ ra rằng, sự đổ vỡ trong ngành ngân hàng là tác nhân lớn có thể dẫn tới tình trạng suy thoái kinh tế đáng kể tại Mỹ. Sức ép tài chính rất có thể dẫn đến suy thoái kinh tế khi chính phủ tập trung tăng cường nhanh chóng nguồn tín dụng, thúc đẩy giá nhà đất và dành cho các hộ gia đình và các công ty không thuộc lĩnh vực tài chính những khoản cho vay lớn.

Báo cáo của IMF nhận định: "So sánh tình hình căng thẳng tài chính hiện nay với các diễn biến liên quan tới lĩnh vực ngân hàng trước đây, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy sụp mạnh và thậm chí suy thoái".

Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Một trong những dấu hiệu đáng lo ngại của kinh tế Mỹ là hoạt động sản xuất ngày càng đình trệ. Theo Báo cáo điều tra của Viện Quản lý Nguồn cung Hoa Kỳ (IMF), chỉ số hoạt động của các nhà máy và công xưởng ở Mỹ trong tháng 9/2008 chỉ đạt trung bình 43,5 điểm so với 49,9 điểm trong tháng 8.

Đây là dấu hiệu cụ thể đầu tiên cho thấy kinh tế Mỹ có vẻ đang đi vào thời kỳ suy thoái vì chỉ số dưới 50 điểm được xác định là bắt đầu giai đoạn bước vào suy thoái.

Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng mua sản phẩm của các nhà máy, công xưởng của Mỹ trong tháng 9 cũng chỉ ở mức 38,8 điểm so với 48,3 điểm trong tháng 8 và đây là chỉ số đơn đặt hàng thấp nhất kể từ tháng 1/2001.

Chỉ số sản xuất ở Mỹ chỉ đạt 40,8 điểm so với 52,1 điểm trong tháng 8 và đây cũng là chỉ số sản xuất thấp nhất kể từ tháng 2/2001. Cùng với việc sản xuất đình trệ là tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Theo thống kê, số lượng công nhân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 27/9 lên tới 497.000 người, tăng mạnh nhất kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Khủng hoảng tín dụng, giá xăng dầu tăng cao, lạm phát và nỗi lo suy thoái khiến chỉ số lòng tin của giới chủ doanh nghiệp cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục. Kết quả thăm dò của hãng nghiên cứu PNC Financial Services Group vừa công bố cho thấy khả năng thanh toán tín dụng (nhân tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp), tiền lương thuê nhân công và đầu tư là những vấn đề gây đau đầu nhất cho ban lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo thăm dò của PNC, kinh tế Mỹ "vẫn tiếp tục lún sâu vào tình trạng suy thoái vốn đang núp dưới vẻ ngoài bóng bẩy" do Chính phủ Mỹ tạo ra khi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2008 của Mỹ là 2,8%.

Trong báo cáo của mình, IMF đánh giá, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ là cuộc khủng hoảng căng thẳng nhất và đang thực sự ảnh hưởng rộng rãi nhất tới tất cả các quốc gia. IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần có những "hành động mạnh mẽ" nhằm giải quyết khó khăn tài chính và hỗ trợ việc phục hồi hệ thống tài chính, trong đó đặc biệt quan trọng là phục hồi nguồn vốn của những tổ chức môi giới tài chính chủ chốt như các ngân hàng đầu tư để giúp làm giảm tốc độ suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách phải "tìm cách tránh những tác động rủi ro lâu dài về mặt tinh thần mà chính sách nhằm khôi phục sự ổn định tài chính có thể mang lại".