10:17 12/02/2008

Kinh tế Mỹ suy thoái, Việt Nam không thể xem nhẹ

Nguyễn Đình Bích

Có lẽ, việc cho rằng Việt Nam sẽ không chịu tác động nhiều từ sự suy thoái của kinh tế Mỹ là có phần quá lạc quan

Những biểu hiện suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng hiện rõ.
Những biểu hiện suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng hiện rõ.
Thời gian qua, hầu như cả thế giới đều rung động trước những dấu hiệu suy thoái ngày càng rõ ràng của nền kinh tế số một thế giới (Mỹ) và những ảnh hưởng của nó đến kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, nhiều ý kiến, trong đó có cả của Ngân hàng Thế giới, lại cho rằng với nền kinh tế Việt Nam tuy cũng bị ảnh hưởng nhưng mức độ sẽ không lớn.

Tuy nhiên, có lẽ nhận định như vậy có phần quá lạc quan không chỉ bởi “trái đắng” chúng ta cũng phải nếm, mà bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã thay đổi rất nhiều, khiến những tác động bất lợi đối với nền kinh tế nước ta mạnh hơn. Do vậy, cách tốt hơn cả lúc này là tìm kiếm những giải pháp đề phòng những tác động bất lợi có thể phát sinh này để bảo đảm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng rất cao của năm nay.

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ”

Chắc chắn, không ít người trong chúng ta chưa thể quên được sự kiện ngày 11/9 đen tối của nước Mỹ trong năm mở đầu thập kỷ, thế kỷ và thiên niên kỷ hiện nay.

Năm 2000 là năm đầu tiên Hiệp định Thương mại Song phương Việt- Mỹ vừa mới được ký kết (tháng 7/2000), cho nên được hy vọng là sẽ tạo ra “cú hích” đẩy nền kinh tế nước ta phát triển vượt bậc nhờ hai nguồn động lực. Đó trước hết là xuất khẩu sẽ tăng đột biến nhờ thị trường nhập khẩu có thể ví như “chiếc thùng không đáy” so với năng lực xuất khẩu cực kỳ nhỏ của nước ta (kim ngạch xuất khẩu của nước ta ở thời điểm này chỉ bằng 1,15% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ).

Tiếp theo, đó là chỉ cần một phần rất nhỏ trong nguồn vốn đầu tư cũng cực kỳ lớn của “người khổng lồ” này cũng có thể khiến nền kinh tế nước ta tăng tốc. Mục tiêu tăng trưởng vượt bậc 7,5% năm 2001 của các nhà quản lý sau khi nền kinh tế thoát khỏi tình trạng liên tục “tụt dốc” do những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đạt được tốc độ phát triển ngoạn mục 6,79% năm 2000 có lẽ không ngoài ý tưởng nắm bắt thời cơ này để “thừa thắng xông lên”.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự kiện ngày 11/9 đúng vào lúc nền kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc chính là “thủ phạm chính” khiến cho mục tiêu này đã không trở thành hiện thực.

Trước hết, các số liệu thống kê xuất khẩu hàng hoá của nước ta cho thấy, tính đến hết tháng 8/2001, tốc độ tăng của đầu ra này vẫn còn đạt 11,5% và với “tập quán đủng đỉnh” trong những tháng đầu năm, để rồi tăng tốc vào những tháng cuối năm, chúng ta có thể hy vọng đạt được mục tiêu tăng 16% cả năm, nhưng ngay trong tháng 9, tốc độ tăng xuất khẩu đã bắt đầu “rơi tự do” và cứ sau mỗi tháng lại “tụt dốc” thêm một bậc.

Hiển nhiên, tuy thị trường Mỹ khổng lồ nhất thế giới, nhưng ở thời điểm này, tác động trực tiếp của nó đối với việc xuất khẩu của nước ta “rơi tự do” như vậy là rất nhỏ, bởi hai lẽ. Trước hết, xét về quy mô, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường Mỹ năm 2001 chỉ mới đạt 1,065 tỷ USD và chỉ chiếm 7,09% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tiếp theo, cho dù Hiệp định Thương mại Song phương Việt - Mỹ đã có hiệu lực ngay sau khi ký, nhưng khoảng thời gian hơn một năm vẫn là quá ngắn, cho nên kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này năm 2001 cũng chỉ kịp tăng phi mã 45,49%, còn năm 2002 mới là thời điểm tăng bùng nổ với kim ngạch 2,421 tỷ USD và đạt kỷ lục tăng “vô tiền khoáng hậu” 127,32% trong lịch sử phát triển ngoại thương của nước ta từ trước tới nay.

Những điều đó có nghĩa là, những tác động gián tiếp của sự kiện 11/9 đến sự “tụt dốc” của “đoàn tàu xuất khẩu” nước ta mới là chủ yếu. Bởi lẽ, trong khi kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường Mỹ tăng phi mã như vậy, thì xuất khẩu sang hầu như tất cả các thị trường khác, trước hết là các thị trường chủ yếu ở khu vực châu Á, hoặc là giảm, hoặc “giậm chân tại chỗ”, hoặc chỉ tăng nhẹ.

Sở dĩ như vậy là do xuất khẩu của hầu hết các quốc gia này cũng có “đích đến” rất quan trọng là thị trường Mỹ, và một khi “đích đến” này bị thu nhỏ, tất yếu sẽ gây ra tình trạng trì trệ dây chuyền. Việc tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu năm 2000 tăng phi mã 13,28%, nhưng năm 2001 đột ngột giảm 3,86%, còn thị trường Mỹ chiếm tới 19-19,5%, “rổ hàng hoá nhập khẩu” này thì cặp số liệu tương ứng là 18,74% và -6,15% cho thấy rất rõ điều đó.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian hơn một năm cũng là quá ngắn để các nhà đầu tư Mỹ có thể tăng vốn đầu tư vào thị trường nước ta. Mặt khác, như thực tế năm “hậu WTO” đầu tiên vừa qua cho thấy, do ở thời điểm này nước ta chưa phải là thành viên WTO, cho nên cũng không được các nhà đầu tư nước này quan tâm.

Mặc dù vậy, những tác động gián tiếp cực kỳ mạnh đó lại chính là điều mà không ít chuyên gia và các nhà quản lý nước ta không ngờ tới.

Bằng chứng là, sau khi sự kiện 11/9 khiến cả thế giới rung chuyển đã diễn ra được gần 3 tuần lễ, nhưng dựa trên tốc độ xuất khẩu ước thực hiện 10,5% của 9 tháng, Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng sẽ không diễn ra các bước “tụt dốc” nói trên, cho nên đã dự báo cả năm 2001 đạt 16 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng “không tưởng” 10,7%, nhưng thực tế chỉ đạt xấp xỉ 3,8% và đây cũng là một căn cứ rất quan trọng để đưa ra một dự báo “không tưởng” khác là tốc độ tăng GDP cả năm sẽ đạt 7,1% (thực tế chỉ đạt 6,89%), bởi khoản kim ngạch xuất khẩu bị “hụt” so với dự báo gần 1 tỷ USD, tương ứng với 3,05% GDP của năm này.

Trong khi đó, cảnh báo về tác động dây chuyền khiến tốc độ xuất khẩu của nước ta “rơi tự do” dẫn đến sự giảm tốc của nền kinh tế thì bị coi là “lạc lõng”, là dự báo bi quan.

Bức tranh đã rất khác

Không những vậy, kinh tế thế giới và trong nước từ đó đến nay đã chuyển sang trạng thái khiến cho những tác động bất lợi đối với nền kinh tế nước ta còn mạnh hơn rất nhiều.

Trước hết, xét trên tổng thể, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay theo dự báo mới nhất của IMF còn cách điểm “đáy” 2001 rất xa (4,1% so với 2,5%), nhưng khoảng cách này của cả ba trung tâm kinh tế thế giới là những thị trường xuất khẩu hàng hoá chủ yếu của nước ta đều không được “đẹp” như vậy, bởi cặp số liệu này của Mỹ là 1,5% so với 0,8%, của Nhật là 1,5% so với 0,2%, thậm chí của khu vực đồng Euro chỉ là 1,6% so với 1,9%.

Rõ ràng, các mảng không sáng sủa này của bức tranh kinh tế thế giới rất có thể làm hỏng mục tiêu tăng tốc xuất khẩu của nước ta, bởi chỉ ba thị trường này hiện đã chiếm một nửa “rổ hàng hoá xuất khẩu”, đặc biệt là thị trường Mỹ với tốc độ tăng đại nhảy vọt 45,7%/năm trong suốt 7 năm qua cho nên đã vươn lên chiếm 21,15% “rổ hàng hoá xuất khẩu” (năm 2001 chỉ mới chiếm 7,09%).

Nhìn từ góc độ thương mại toàn cầu, vẫn theo dự báo của IMF, tuy tình hình cũng không đến nỗi bi đát như năm 2001, bởi tốc độ tăng của thương mại hàng hoá và dịch vụ năm nay vẫn là 6,7% (năm 2001 giảm 3%), nhưng đây là mức tăng “sát đáy” 6,6% của năm 2007 kể từ khi thương mại toàn cầu hồi phục sau sự kiện 11/9 đến nay.

Tuy nhiên, nếu theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, thì tình hình bức tranh thương mại toàn cầu năm nay sẽ “tối” hơn hẳn, bởi khối lượng giao dịch sẽ “chạm đáy” chỉ với tốc độ tăng 7,6% so với 9,2% trong năm 2007. Trong bối cảnh như vậy, gần như chắc chắn “đoàn tàu xuất khẩu” của nước ta cũng bị giảm tốc không ít không chỉ do tác động trực tiếp, mà còn do tác động dây chuyền từ các thị trường khác, đặc biệt là thị trường khu vực châu Á do chịu tác động tiêu cực rất lớn từ hai thị trường khổng lồ Âu và Mỹ giống như năm 2001.

Trong khi đó, sự phát triển của nền kinh tế nước ta lại ngày càng phụ thuộc nặng nề vào thị trường thế giới trên hai phương diện. Trước hết, thay vì 47,21% năm 2001, độ mở của nền kinh tế nước ta ở đầu ra xuất khẩu năm 2007 đã tăng đại nhảy vọt lên 68,02%.

Tiếp theo, điều còn quan trọng hơn nhiều chính là ở chỗ, ở thời điểm năm 2001, giá hàng chế tạo giảm ít hơn nhiều so với giá nguyên liệu khiến chúng ta “dễ thở” hơn hẳn, còn hiện nay, “gió đã đổi chiều” khiến chúng ta ngày càng ở vào thế bất lợi.

Không những vậy, về phía trong nước, do lạm phát liên tục đứng ở mức cao trong ba năm trước đó và tăng đột biến trong năm 2007 vừa qua, cộng với áp lực giảm giá của USD so với đồng nội tệ “thời hậu WTO” ngày càng mạnh đang cùng với giá nguyên liệu tăng phi mã tạo ra tác động “kép ba” càng làm cho nguy cơ giảm tốc của “đoàn tàu xuất khẩu” nước ta, và do vậy, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5-9% của năm nay trở nên rõ ràng hơn.

Nói tóm lại, nếu căn cứ vào tình hình liên kết nội khối trong khu vực châu Á đang gia tăng, cho nên bất chấp việc giảm tốc của cả ba trung tâm kinh tế thế giới, các nước đang phát triển trong khu vực vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 8,6% trong năm nay để cho rằng sự giảm tốc của kinh tế thế giới ít ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, thì e rằng đánh giá như vậy là chưa sát với thực tiễn của nước ta, bởi không chỉ “bài học năm 2001” mà chính chúng ta phải trải qua vẫn còn nguyên giá trị, mà kinh tế thế giới và trong nước đã chuyển động theo hướng khiến cho những tác động bất lợi này mạnh hơn hẳn.

Trong bối cảnh như vậy, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cao kỷ lục trong vòng 12 năm trở lại đây thực sự là một thách thức, nếu không có những điều chỉnh ngay từ bây giờ.