11:41 15/08/2024

Kinh tế Nhật phục hồi tăng trưởng nhờ tiêu dùng mạnh

Ngọc Trang

Kết quả này cao hơn so với mức tăng trưởng dự báo bình quân 2,3% của các nhà kinh tế theo khảo sát của QUICK. Trong quý đầu năm nay, GDP của Nhật sụt giảm 2,3%...

Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo dữ liệu công bố ngày 15/8 từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 2/2024, kinh tế Nhật tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, phục hồi từ mức tăng trưởng âm của quý trước nhờ tiêu dùng mạnh.

NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Kết quả này cao hơn so với mức tăng trưởng dự báo bình quân 2,3% của các nhà kinh tế theo khảo sát của QUICK. Trong quý đầu năm nay, GDP của Nhật sụt giảm 2,3%. So với quý đầu năm, GDP quý 2 tăng 0,8%.

Dữ liệu GDP khả quan giúp chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật tăng 0,16% trong phiên giao dịch sáng ngày 15/8, còn chỉ số TOPIX tăng 0,44%. Đồng yên Nhật cũng tiếp tục tăng giá so với USD, giao dịch ở mức 147,18 yên đổi 1 USD.

Dữ liệu GDP được công bố sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) nâng lãi suất lên 0,25% vào cuối tháng 7 và đang có kế hoạch giảm bớt chương trình mua lại trái phiếu chính phủ. Đây là hai động thái được đánh giá là quyết liệt của BOJ, cho thấy cơ quan này ngày càng tự tin vào sự phục hồi của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh mối lo ngại về sự suy yếu của đồng yên.

Quyết định điều chỉnh lãi suất của BOJ được đưa ra sau khi số liệu tháng 6 từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy mức lương thực tế tại nước này đã lần đầu tiên tăng kể từ tháng 3/2022 – tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số gia tăng này bao gồm tiền thưởng bởi mức lương thường xuyên thực tế giảm 1%.

Trong khi đó, lạm phát tại Nhật vẫn ở trên mức mục tiêu 2% của BOJ. Vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm thực phẩm tươi, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu công bố ngày 15/8, tiêu dùng tư nhân tại Nhật đã có quý tăng đầu tiên trong hơn 1 năm qua với mức tăng 1% so với quý trước.

Trong bối cảnh mức lương tại Nhật có xu hướng tăng, các chỉ số dự báo của tháng 7 cho thấy tiêu dùng tiếp tục gia tăng. Theo khảo sát Economy Watchers Survey của Văn phòng Nội các Nhật Bản, chỉ số tâm lý kinh doanh đã điều chỉnh theo mùa trong những lĩnh vực được xem là nhạy với xu hướng kinh tế - như siêu thị, cửa hàng bách hóa - được dự báo tăng lên 47,5 điểm trong tháng 7, tăng 0,5 điểm so với tháng trước.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà môi giới ô tô Nhật Bản và Hiệp hội xe máy và xe cơ giới hạng nhẹ Nhật Bản, doanh số xe mới tháng 7 đã tăng 7% về số lượng, phục hồi sau các tháng sụt giảm do bê bối về an toàn của Daihatsu Motor.

"Kết quả GDP quý 2 của Nhật rất tích cực và đây sẽ là động lực để BOJ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới", ông Jun Saito, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, nhận xét với CNBC. 

TRIỂN VỌNG KHÔNG QUÁ KHẢ QUAN

Tuy nhiên, ông Saito dự báo kinh tế Nhật sẽ chỉ tăng trưởng "khiêm tốn" trong phần còn lại của năm nay do quý đầu tăng trưởng âm. Theo ông, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Nhật và Mỹ đang được thu hẹp, đồng yên nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá so với USD và điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của quốc gia châu Á. 

"Nhìn vào những yếu tố này, tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Nhật không quá khả quan, bởi tác động tiêu cực từ hoạt động xuất khẩu và mức tăng GDP cũng không quá mạnh", ông nói thêm.

Vị chuyên gia dự báo BOJ sẽ theo dõi phản ứng của thị trường trước khi thực hiện các động thái thắt chặt chính sách. Điều này đồng nghĩa ngân hàng trung ương Nhật sẽ có các chính sách tiền tệ "linh hoạt hơn" trong thời gian tới.

Trên thực tế, tiêu dùng tăng lên trong tháng 6 có thể do việc người tiêu dùng được giảm thuế một lân 40.000 yên (270 USD)/người. Chương trình này bắt đầu có hiệu lực trong tháng 6 và kéo dài trong một khoảng thời gian có hạn.

Do đó, dù số liệu mới nhất là tín hiệu tích cực về nền kinh tế Nhật - nơi chìm trong giảm phát trong nhiều thập kỷ, một số nhà kinh tế cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để xác định liệu nước này đã thực sự vượt qua được những tác động tiêu cực của giảm phát hay chưa.

“Trong xã hội già hóa ở Nhật với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, nhóm người này bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lạm phát tăng lên bởi họ không được hưởng lợi từ việc tăng lương như nhóm dân số đang trong độ tuổi lao động”, ông Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Dai-ichi Life Research Institute, nhận định.

Ông Kumano cũng cho rằng cú sập mạnh của thị trường chứng khoán Nhật vừa qua có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

“Giá cổ phiếu lao dốc có thể là mở màn cho một cuộc suy thoái”, ông Kumano nhận định. “Một cuộc suy thoái như vậy có thể khiến xu hướng tăng lương chững lại”.