Kinh tế Quảng Ninh bứt tốc mạnh trong quý I
Quý 1/2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 14.800 tỷ đồng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn duy trì được tốc độ phát triển ổn định ở mức cao...
Cu thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh ước tăng 8,04%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.870 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế của địa phương này trong quý 1/2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất (tăng 13,25%, cao hơn 4,42 điểm % so với cùng kỳ); tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước 4,85 triệu lượt (gấp 2,3 lần so với cùng kỳ); doanh thu du lịch 8.555 tỷ đồng (gấp 2,7 lần cùng kỳ).
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 674 triệu USD, tăng 15,2% cùng kỳ. Thuế sản phẩm tăng 9,1%, cao hơn 1,71 điểm % so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, cao hơn 0,24 điểm % so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN ước đạt 14.800 tỷ đồng (bằng 27% so với dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ)
Về thu hút FDI, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2023, Quảng Ninh thu hút được 341,82 triệu USD đạt hơn 41,3% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023 và đứng thứ 7 cả nước.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng liên tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nhiều dư án như: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Cảng Vạn Ninh; Sân golf Đông Triều và các dự án ngoài Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.750 tỷ đồng (bằng 28% so với cùng kỳ năm 2022).
Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, tổng vốn đăng ký 8.038 tỷ đồng (tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước); cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 11 dự án vốn trong nước, tổng vốn đăng ký 2.712 tỷ đồng (bằng 8,5% so với cùng kỳ năm trước).
Cũng trong quý 1/2023, Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức thành công hàng loạt hội nghị kinh tế - dịch vụ quy mô lớn làm tiền đề quan trọng để phát triển trong thời gian tiếp theo. Nổi bật, tại Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương ký với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về hợp tác, hỗ trợ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2045”; Sở Thông tin - Truyền thông ký hợp tác với Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel về hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics.
Nhiều đơn vị khác ký kết những nội dung quan trọng, như: Công ty CP Nam Tiền Phong ký kết với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Công ty CP Thành Đạt ký kết hợp tác với Công ty CP Vinafco; Trường Đại học Hạ Long ký kết hợp tác với Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam...
Đặc biệt, hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 đã thu hút trên 350 đại biểu, đại diện các bộ, ngành trung ương, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia cùng nhiều đề xuất giải pháp để Quảng Ninh có thể hoàn thành mục tiêu thu hút 15 triệu lượt du khách năm 2023. Tỉnh đã công bố 4 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch biên giới, nhằm tận dụng thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đồng thời, ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số địa phương: Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai...
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, đó chính là cơ sở quan trọng để tỉnh triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm.
Tiếp tục đà tăng trưởng của quý 1, trong quý 2/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 9,51%; thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 15.000 tỷ đồng, 6 tháng đạt trên 29.800 tỷ đồng; thu hút khách du lịch quý 2 đạt ít nhất 3,6 triệu lượt, cả năm đạt khoảng 15 triệu lượt…
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục giữ vững niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đặc biệt lưu ý giữ vững sự ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than gắn với thúc đẩy tối đa sự phát triển của ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhờ sự đột phá trong thu hút FDI thế hệ mới vào các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, trọng điểm là thị xã Quảng Yên.
Luôn xác định phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, trung tâm logistics.
Hiện nay, UBND Tỉnh Quảng Ninh cũng đang sát sao chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng tuyến vận chuyển hàng giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch, kinh tế dịch vụ logistics, cũng như vận chuyển, thông thương hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc tới các cửa khẩu.