Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi vững trước kỳ họp Quốc hội
Nền kinh tế Trung Quốc đang xuất hiện dấu hiệu phục hồi sau khi chấm dứt chiến lược phòng chống dịch Zero Covid. Chỉ số sản xuất tháng 2 của nước này ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất nhất trong hơn một thập kỷ, trong khi hoạt động dịch vụ cũng khởi sắc và thị trường bất động sản bắt đầu ổn định trở lại...
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 1/3, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của nước này đã tăng lên mức 52,6 điểm trong tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012. Chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, cũng tăng lên 56,3 điểm, vượt dự báo của các nhà kinh tế.
XU HƯỚNG PHỤC HỒI VỮNG CHẮC
Các chỉ số PMI mang lại dữ liệu toàn diện đầu tiên về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi nước này chính thức chấm dứt Zero Covid vào cuối năm ngoái và khi các làn sóng lây nhiễm Covid bắt đầu hạ nhiệt và doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Những dữ liệu lạc quan này đặt các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào vị thế thuận lợi trước thềm Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tuần tới. Tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố các mục tiêu tăng trưởng mới.
“Dù có yếu tố mùa vụ và sự kiện đặc thù lớn ảnh hưởng tới số liệu PMI, xu hướng chung vẫn là sự phục hồi vững chắc vào đầu năm 2023”, ông Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, nhận xét. “Các chỉ số PMI khả quan có ý nghĩa tích cực cho Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc sắp tới khi Chính phủ dự kiến đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để củng cố sự phục hồi”.
"Làn sóng Covid ban đầu sau khi chấm dứt các hạn chế phòng chống dịch giờ đây đã lắng xuống, thúc đẩy các chỉ số PMI tháng 2. Bên cạnh đó, các biện pháp ổn định tăng trưởng trong nước cũng đã bắt đầu có hiệu lực”.
Zhao Qinghe, nhà thống kê cấp cao tại NBS
Các số liệu khả quan nói trên đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc và làm tăng giá một số loại hàng hóa. Chỉ số Doanh nghiệp Hang Seng China Enterprises Index, theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, đã tăng 5,1% trong phiên giao dịch ngày 1/3. Đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế tăng tới 1%. Giá dầu WTI quay đầu tăng nhẹ, trong khi giá đồng trên thị trường kim loại London tăng 1%. Nhôm, quặng sắt và kẽm cũng nằm trong xu hướng tăng giá.
Các dữ liệu khác được NBS công bố ngày 1/3 cũng cho thấy sự tăng trưởng trong nhu cầu nội địa. Doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã tăng lên trong tháng 2, so với cùng kỳ năm trước và là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 6/2021 nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ đối với lĩnh vực này. Tình trạng tắc đường tại các thành phố cũng tăng lên và lượng người đi lại bằng tàu điện ngầm đã trở lại mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, chi tiêu tại các nhà hàng và trung tâm thương mại cũng tăng lên.
DỰ BÁO NHIỀU THAY ĐỔI LỚN SAU CUỘC HỌP QUAN TRỌNG
Dù trong phiên giao dịch ngày 1/3, giới nhà đầu tư tập trung vào các dấu hiệu phục hồi, kỳ họp Quốc hội tuần tới lại gây ra nhiều lo lắng. Chính phủ Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị các kế hoạch thay đổi lớn đối với bộ máy hành chính cũng như tăng cường ảnh hưởng với các công ty tư nhân, trong đó có việc cải cách lĩnh vực tài chính.
Các nhà kinh tế học cũng cảnh báo rằng dù dữ liệu sản xuất khởi sắc cho thấy dấu hiệu phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt những “cơn gió ngược” do nhu cầu toàn cầu vẫn yếu và hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay.
“Các chỉ số PMI khả quan của tháng 2 cho thấy sự phục hồi đang diễn ra nhanh hơn so với sự phục hồi trong giai đoạn đầu năm 2020 khi các đợt phong tỏa phòng dịch được gỡ bỏ. Thời gian tới dự báo sẽ khó đạt được tốc độ phục hồi như vậy do tăng trưởng toàn cầu giảm tốc và nhu cầu bị dồn nén sau khi mở cửa trở lại có thể giảm dần. Tuy nhiên, với sự xoay chuyển chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng, nền kinh tế có thể duy trì động lực phục hồi trong quý 2”, nhà kinh tế Chang Shu và Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận định.
“Làn sóng Covid ban đầu sau khi chấm dứt các hạn chế phòng chống dịch giờ đây đã lắng xuống, thúc đẩy các chỉ số PMI tháng 2. Bên cạnh đó, các biện pháp ổn định tăng trưởng trong nước cũng đã bắt đầu có hiệu lực”, ông Zhao Qinghe, nhà thống kê cấp cao tại NBS, nhận xét.
Sự phục hồi của Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế khác ở châu Á. Chỉ số PMI tại Thái Lan, Việt Nam và một số quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng tăng trong tháng 2. Trong khi đó, ở Bắc Á, tình hình diễn biến trái chiều khi PMI ngành sản xuất của Nhật Bản suy giảm trong khi PMI sản xuất của Đài Loan bắt đầu phục hồi dù vẫn ở mức dưới 50 điểm.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc trước đó tuyên bố ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, trong đó nhấn mạnh nhu cầu nội địa là động lực để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong báo cáo tiền tệ mới nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ hỗ trợ “bền vững” cho nền kinh tế theo hướng trọng tâm và trọng điểm, chứ không ồ ạt, tràn lan.
“Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nói về kỳ họp Quốc hội sắp tới, thị trường dường như đang hạ thấp kỳ vọng với kế hoạch kích thích tăng trưởng của Chính phủ”, ông Nicolas Wang, cố vấn cấp cao về chứng khoán tại Union Bancaire Privée, phát biểu.