12:05 16/05/2022

Kinh tế Trung Quốc lao đao vì zero Covid

An Huy

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải hứng chịu những tổn thất vì chính sách chống dịch hà khắc mang tên zero Covid. Loạt số liệu vừa công bố cho thấy sản lượng công nghiệp và chi tiêu dùng của nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và giới phân tích cảnh báo tình hình sẽ khó sớm cải thiện...

Những chiếc xe đạp được dùng làm rào chắn phong toả ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Những chiếc xe đạp được dùng làm rào chắn phong toả ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4 bất ngờ giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu bán lẻ giảm 11,1% thay vì giảm 6,6% như dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 6,1%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ lập kỷ lục.

MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 5,5% NGOÀI TẦM TAY

Đây là những bằng chứng rõ rệt về thiệt hại mà zero Covid gây ra cho kinh tế Trung Quốc. Với chính sách này, Bắc Kinh thực hiện những biện pháp cứng rắn nhất để ngăn chặn sự lây lan của Sars-CoV2, thay vì chấp nhận sống chung với virus như nhiều quốc gia khác đang làm. Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, đã phong toả trong nhiều tuần liền, khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, các nhà máy phải đóng cửa, và các chuỗi cung ứng càng thêm rối.

Đến hiện tại, Chính phủ Trung Quốc vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi zero Covid, cho dù khả năng lây nhiễm cao của biến chủng Omicron đặt các địa phương của nước này trước nguy cơ cao của tình trạng mở cửa trở lại rồi lại phải phong toả. Thượng Hải hiện đã bắt đầu nới các hạn chế chống dịch, nhưng có lẽ phải mất một thời gian dài các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thành phố này mới có thể trở lại bình thường.

Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management nói rằng có khả năng kinh tế Trung Quốc suy giảm trong quý 2, khiến cho mục tiêu đạt tăng trưởng cả năm 5,5% như Bắc Kinh đề ra vượt khỏi tầm tay. Ông Zhang nói rằng dù “Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt sức ép lớn phải triển khai các biện pháp kích cầu mới để ổn định nền kinh tế”, hiệu quả của bất kỳ chính sách mới nào cũng tuỳ thuộc vào việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách zero Covid như thế nào để chống lại cuộc khủng hoảng do biến chủng Omicron gây ra.

Gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc liên tục phát tín hiệu sẽ hỗ trợ nền kinh tế. Cách đây ít ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hối thúc các cơ quan chức năng đảm bảo ổn định thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ.

Ngày Chủ nhật, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có động thái hỗ trợ thị trường chính sách bất động sản bằng cách giảm lãi suất vay thế chấp nhà đối với những người mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản đối với các khoản vay kỳ hạn 1 năm được giữ nguyên, thay vì giảm như dự báo trước đó của giới đầu tư. Điều này phản ánh áp lực lạm phát gia tăng và mối lo về sự thoái vốn đang giảm bớt dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

“Rõ ràng, ảnh hưởng của phong toả, hoặc mối lo phong toả, đang áp đảo. Phong toả ở Thượng Hải có ảnh hưởng lan rộng khắp toàn quốc”, trưởng nghiên cứu kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Societe Generale, bà Wei Yao, nhận định. Sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp sẽ là một mối lo đặc biệt lớn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc – theo vị chuyên gia.

“Nếu tình trạng này không làm gia tăng sự cấp thiết phải điều chỉnh các biện pháp zero Covid để nền kinh tế có thể bình thường hoá, chẳng biết điều gì có thể nữa”, bà Wei phát biểu.

GIẢM LÃI SUẤT SẼ KHÔNG CÓ NHIỀU TÁC DỤNG

Về phần mình, Tổng cục Thống kê Trung QUốc (NBS) nói rằng đợt bùng dịch Covid này có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 4, nhưng ảnh hưởng có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. “Với các bước tiến trong kiểm soát Covid và với các chính sách bình ổn kinh tế phát huy tác dụng, nền kinh tế sẽ dần hồi phục”, NBS nhận định và không cho rằng rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm trong quý 2.

Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng 6,8% trong 4 tháng đầu năm, có thể do nỗ lực tăng đầu tư hạ tầng của Chính phủ. Tuy nhiên, sản lượng xi măng của Trung Quốc giảm 18,9% trong tháng 4, sản lượng thép thô và các sản phẩm thép giảm hơn 5%, sản lượng ô tô giảm 44%.

Các biện pháp kích thích tiền tệ cho thấy hiệu quả kém trong bối cảnh phong toả. Số liệu hôm thứ Sáu cho thấy cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc đều không mấy mặn mà với việc vay tiền trong tháng 4. Tăng trưởng tín dụng suy giảm mạnh trong tháng 4, với lượng vốn vay cấp mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017.

Vào ngày thứ Sáu tuần này, các ngân hàng thương mại Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất cho vay, giúp cho lãi suất vay thế chấp nhà giảm thêm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tác dụng của việc giảm lãi suất này sẽ không lớn ở thời điểm hiện tại.

Bất động sản vốn là một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thị trường địa ốc nước này đã sụt giảm suốt gần 1 năm nay. Từ tháng 8 năm ngoái tới nay, doanh số bán nhà ở Trung Quốc tháng nào cũng giảm với tốc độ hai con số và giá bán nhà mới cũng giảm. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi Bắc Kinh mở chiến dịch kiểm soát tình trạng vay nợ tràn lan trong ngành địa ốc và kiềm chế đà tăng của giá nhà.

Trong 4 tháng đầu năm, đầu tư phát triển bất động sản ở Trung Quốc giảm 2,7% và tổng giá trị của số nhà bán được giảm 32%.

“Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy hiện nay là sức ép duy trì trong lĩnh vực tín dụng. Với niềm tin doanh nghiệp lung lay đến như vậy, nhu cầu tín dụng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, để tăng nhu cầu tín dụng, phải cần đến nhiều hơn việc giảm lãi suất đơn thuần”, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Helen Qiao của Bank of America nhận định.