16:42 26/01/2021

“Kỳ trăng mật” không êm ả của ông Biden

Kiều Oanh

Những nhiệm vụ cấp bách của tân Tổng thống Mỹ trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Bloomberg.

Khi Tổng thống Franklin Roosevelt tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/3/1933, khoảng 1/4 người Mỹ thất nghiệp và một phần lớn dân số nước này sống trong những căn nhà tồi tàn.

Trong vòng 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Roosevelt đã đưa 15 dự luật thông qua Quốc hội, cải tổ hệ tống tài chính và nông nghiệp, mở rộng chương trình trợ cấp thất nghiệp, và đặt nền móng cho phục hồi kinh tế Mỹ sau Đại suy thoái.

9 thập kỷ sau, một nhân vật khác của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden, cũng trở thành nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ trong bối cảnh một cuộc khủng nghiêm trọng. Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 400.000 người Mỹ thiệt mạng và "cuốn phăng" gần 10 triệu việc làm khỏi nền kinh tế. Vị tân Tổng thống nhậm chức hôm 20/1 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khác như biến đổi khí hậu, mâu thuẫn sắc tộc, và sự chia rẽ của cử tri Mỹ.

Khi lên kế hoạch cho những tháng cầm quyền đầu tiên, có lẽ ông Biden cần học tập nhiều từ mô hình của cựu Tổng thống Roosevelt - tạp chí Time nhận định. Sự cấp bách đã được thể hiện qua việc ông Biden ký một loạt sắc lệnh trong vòng chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, bao gồm sắc lệnh đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và rút lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền tiền nhiệm đối với công dân các quốc gia có phần đông dân số theo đạo Hồi. Những động thái này gửi đi một thông điệp rằng nhiệm kỳ của ông Biden sẽ không tiếp nối những khuynh hướng tự cô lập của nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, 100 ngày cầm quyền của ông Biden sẽ không chỉ chứng minh sự thay đổi như vậy. Thay vào đó, vị Tổng thống 78 tuổi còn có một loạt nhiệm vụ cấp bách khác cần giải quyết.

CHỐNG COVID-19

Nhiệm vụ đầu tiên và cấp bách nhất chính là đưa virus corona về tầm kiểm soát. Vaccine ngừa Covid-19 vốn được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu để khống chế đại dịch, nhưng việc triển khai vaccine tại Mỹ tính đến thời điểm này chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm ngày càng gia tăng và một số chuyên gia dự báo tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ có thể lên tới 700.000 ca trước khi virus được kiểm soát.

Ông Biden muốn vừa đẩy nhanh tốc độ phân phối vaccine, vừa giảm số ca nhiễm mới. Mục tiêu này sẽ dựa vào một chương trình liên bang trị giá 20 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương. Chính quyền mới cũng có kế hoạch sử dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để đẩy mạnh việc sản xuất vaccine và trang thiết bị bảo hộ. Ngoài ra, kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà ông Biden đề xuất có nội dung trợ cấp tiền lương cho người lao động thu nhập thấp trong những ngày họ cần nghỉ ngơi sau khi tiêm vaccine và chi 50 tỷ USD để tăng cường xét nghiệm Covid-19.

Ông Biden muốn đến ngày 30/4, thời điểm tròn 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông, đã có khoảng 100 triệu người Mỹ được tiêm phòng Covid-19. Cùng với đó, phần lớn các trường tiểu học và trung học hoạt động bình thường trở lại.

Trong khoảng thời gian trước khi một tỷ lệ lớn dân số được tiêm vaccine Covid-19, chính quyền ông Biden sẽ mở một chiến dịch nhằm phi chính trị hóa việc đeo khẩu trang. Ông dự định kêu gọi giới lãnh đạo doanh nghiệp và tôn giáo xem việc đeo khẩu trang là việc bình thường. Ông Biden cũng sẽ trực tiếp kêu gọi người dân Mỹ tham gia "thử thách" 100 ngày đeo khẩu trang - trong đó mỗi người đều nhất trí che mũi và miệng khi ở nơi công cộng trong ít nhất 3 tháng đầu tiên ông cầm quyền.

PHỤC HỒI KINH TẾ

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều tin rằng ngay khi mối đe dọa từ Covid-19 lắng xuống nhờ tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng, nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu khởi sắc. Nhưng cho dù kế hoạch đẩy mạnh phân phối vaccine của ông Biden có thành công, thì ít nhất cũng phải đến mùa hè và mùa thu năm nay nước Mỹ mới có thể đạt tới một cột mốc như vậy. Bởi vậy, kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ của ông Biden chủ yếu nhằm trợ lực cho nền kinh tế trong khoảng thời gian cho tới thời điểm đó.

Kế hoạch kêu gọi nâng mức hỗ trợ thất nghiệp hàng tuần từ 300 USD/người lên 400 USD/người cho tới hết tháng 9, và phát trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn người dân Mỹ. 130 tỷ USD trong kế hoạch sẽ được dùng để hỗ trợ các trường học mở cửa trở lại một cách an toàn; 15 tỷ USD sẽ dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Đảng Dân chủ của ông Biden hiện nắm quyền kiểm soát ở Thượng viện và Hạ viện, nhưng đa số của đảng này ở Thượng viện là rất mong manh. Các nghị sỹ Dân chủ nắm 50/100 ghế ở Thượng viện và cần tới lá phiếu của Phó tổng thống Kamala Harris để phá vỡ thế cân bằng. Để Thượng viện phê chuẩn gói kích cầu, ông Biden cần tới sự ủng hộ của 100% nghị sỹ Dân chủ và ít nhất 10 nghị sỹ Cộng hòa. Về lý thuyết, ông Biden có thể "qua mặt"phe Cộng hòa bằng một quy trình ngân sách đặc biệt, nhưng cách này có thể sẽ hạn chế quy mô của gói kích cầu và xói mòn thông điệp của ông Biden về hợp tác giữa hai đảng.

Trao đổi với Time, ông Jon Klain - người được ông Biden chọn cho vị trí chánh thư ký Nhà Trắng - cho biết nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã tỏ ra hoài nghi về gói kích cầu. "Nhiều người trong số họ nói giá trị của gói kích cầu quá lớn. Và chúng tôi đáp lại rằng thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt là rất lớn".

Không phải toàn bộ chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden đều phụ thuộc vào Quốc hội. Ông đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan gia hạn việc giãn nợ đối người vay thế chấp nhà đến hết tháng 3, nhằm giảm số vụ tịch biên nhà do người vay trễ hạn thanh toán. Việc thanh toán các khoản vay học tập của sinh viên cũng được hoãn đến hết tháng 9. Dù vậy, bằng việc ra các sắc lệnh điều hành, ông Biden không thể giải quyết tất cả các vấn đề kinh tế của nước Mỹ hiện nay.

"Không có một bộ nút bấm hay đòn bẩy nào mà Tổng thống có thể sử dụng để tạo ra một sự kết hợp tối ưu giữa tăng trưởng kinh tế, việc làm và lạm phát", giáo sư Kenneth Mayer thuộc Đại học Wisconsin-Madison nhấn mạnh.

CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÂN BIỆT SẮC TỘC

Các cố vấn của ông Biden tiết lộ rằng vấn đề biến đổi khí hậu và công lý sắc tộc cũng chiếm nhiều tâm trí của nhà lãnh đạo mới. Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, ông Bide đã thẳng thừng lên án thuyết người da trắng thượng đẳng (white supremacy). Kế hoạch kích cầu của ông đề xuất giải quyết nhiều vấn đề được nêu bởi Black Lives Matter - một phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da màu tại Mỹ. Những nội dung này bao gồm hỗ trợ cho các cộng đồng da màu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, cấp vốn để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng, và ưu tiên cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ có chủ sở hữu là người thiểu số.

Ông Biden đã giao bà Susan Rice - người đứng đầu Hội đồng Chính sách nội địa - giám sát các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng sắc tộc. Đây là những sáng kiến nhằm giúp Chính phủ Mỹ tối đa hóa nguồn lực dành cho các cộng đồng thiểu số và đảm bảo sự đa dạng ngay trong chính hàng ngũ các quan chức liên bang. Ông Biden cũng đưa ra những sáng kiến nhằm mở rộng quyền tiếp cận y tế cho nữ giới là người da màu và cải thiện hệ thống pháp lý hình sự.

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, ngoài việc đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris, ông Biden còn rút lại giấy phép mà ông Trump đã cấp cho dự án đường ông dẫn dầu gây tranh cãi Keystone XL, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên bang lập lại các quy chế môi trường mà người tiền nhiệm đã xóa bỏ, chẳng hạn các quy định về khí thải methane trong sản xuất dầu khí. Ông Biden cũng đã tuyên bố sẽ dùng sức mua của Chinh phủ liên bang để thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm xanh - một động thái mà giới chuyên gia cho là ông sẽ triển khai sớm bằng cách yêu cầu các cơ quan liên bang mua những loại xe có mức khí thải thấp và các hàng hóa thân thiện với môi trường khác.

Bên cạnh đó, chính quyền của ông Biden còn có kế hoạch đảo ngược hàng loạt chính sách của thời ông Trump về nhập cư. Ông đã đưa ra một dự luật nhằm mở đường nhập tịch cho hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp và tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia vùng Trung Mỹ. Ông dự kiến sẽ lập một đội đặc nhiệm với nhiệm vụ đoàn tụ gia đình cho hơn 600 trẻ em bị tách khỏi cha mẹ do chính sách của chính quyền ông Trump trong lúc vượt biên từ Mexico sang Mỹ.

Các cố vấn của ông Biden cho rằng không một cuộc khủng hoảng nào trong số những cuộc khủng hoảng chồng chéo hiện nay của Mỹ có thể được giải quyết gọn lẹ trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên tân Tổng thống. Nhưng họ cũng cho rằng "kỳ trăng mật" sẽ là cơ hội tốt nhất để ông Biden tạo ra một dấu ấn.

"Những gì mà chúng tôi hứa với nhân dân Mỹ là sự tiến bộ trong 100 ngày. Có nhiều công việc khó khăn phải làm, để đưa những thứ đi sai hướng trở lại hướng đi đúng. Đó sẽ là thước đo thành công của chúng tôi", ông Klain phát biểu với Time./.