Lãi suất huy động tăng, tiền gửi dân cư ồ ạt đổ về ngân hàng
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, tiền gửi dân cư đạt mức ròng 159.000 tỷ đồng, lớn hơn con số 158 nghìn tỷ đồng trong cả năm 2021...
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trong tháng 2/2022 cho biết, tiền gửi cư dân tăng hơn 56.000 tỷ đồng. Mức tăng này trong tháng 1/2022 là 103.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng 159.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,46 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,01% so với cuối năm 2021.
Việc tiền gửi cư dân tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm là điều hiếm gặp. Bởi lẽ, đây là những tháng cao điểm, người dân thường có xu hướng rút tiền để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu dịp Tết Nguyên đán và đầu tư các kênh ngắn hạn.
Trong năm 2021, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư thấp kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành ảnh hưởng tiêu cực tình hình tài chính của người dân. Đồng thời, các kênh đầu tư khác như bất động sản phục hồi, chứng khoán tăng trưởng mạnh, trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn… cũng chia sẻ một phần dòng tiền vốn dĩ được chảy về hệ thống ngân hàng.
Theo giới chuyên môn, diễn biến “bất thường” trên chủ yếu được tác động nhờ vào việc các ngân hàng thương mại bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Hiện so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm.
Thậm chí, trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) còn đưa ra dự báo, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng thêm 0,5-1,0 điểm phần trăm trong cả năm 2022.
VCBS đưa ra dự báo dựa trên quan điểm lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể vượt mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra trong bối cảnh giá hàng hóa nguyên vật liệu thế giới leo thang. Thực tế cho thấy, mặc dù lạm phát chưa làm “bùng cháy” cuộc đua lãi suất huy động nhưng cũng đang phả “hơi nóng”.
Bên cạnh mặt bằng lãi suất huy động tăng, việc các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có dấu hiệu chững lại cũng khiến dòng tiền quay về hệ thống ngân hàng.
Đáng chú ý, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, không chỉ tiền gửi cư dân tăng mạnh mà trong tháng 2/2022, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng 59.000 tỷ đồng, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng.
Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh đã cho thấy những tín hiệu sáng trở lại, nhưng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn và khó khăn tiềm ẩn vẫn rất lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng khi dành vốn cho hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tiền vẫn tranh thủ sinh lời ở ngân hàng, đặc biệt khi mặt bằng lãi suất đang tăng.
Tuy nhiên, nếu tính luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, thực chất tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp đã rút ròng khoảng 8.800 tỷ đồng, tương đương giảm 0,16% so với cuối năm 2021.
Đánh giá chung toàn bộ thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù ít nhưng số liệu cuối tháng 2/2021 vẫn phát đi những tín hiệu cho thấy tiền gửi tại ngân hàng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó.
Cụ thể, tiền gửi của doanh nghiệp sẽ được rút dần ra để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, chứ không còn để quá nhiều tại ngân hàng. Và hoạt động rút ròng này sẽ phải vận động dần dần chứ không thể lập tức rút ngay một khoản tiền lớn.
Ngoài ra, dòng tiền nhàn rỗi của cư dân chắc chắn sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời tốt do mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. Song song, các ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) như miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý tài khoản...