Lãi suất tăng có thể tạo ra một số bất lợi với các công ty bảo hiểm
Về mặt lý thuyết, nhóm ngành bảo hiểm sẽ được hưởng lợi lớn từ câu chuyện tăng lãi suất huy động vì là đây là những doanh nghiệp cầm tiền và gửi tiết kiệm nhiều nhất. Tuy nhiên, khi xem xét toàn diện hơn, các chuyên gia nhận thấy diễn biến tăng lãi suất có thể sẽ tạo ra một số bất lợi đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ).
Trong hơn một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng lãi suất điều hành (22/9 và 24/10), mỗi lần tăng thêm 1%.
Đến hiện tại, mức lãi suất huy động phổ biến biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5% – 9,5%/năm. Thậm chí, mặt bằng lãi suất này còn chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 – 4,0 điểm phần trăm so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid-19.
Bảo hiểm là nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động về lãi suất.
BỐN ĐIỂM BẤT LỢI VỚI NGÀNH BẢO HIỂM
Trong một báo cáo mới đây, FiinGroup đánh giá động thái tăng lãi suất sẽ có ảnh hưởng tích cực nhất định đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể: Với việc dùng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm để xác định tỷ lệ chiết khấu, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (bao gồm Bảo Việt, mã chứng khoán BVH) có cơ hội cải thiện biên lợi nhuận do giá trị trích lập dự phòng toán học giảm đi nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ tăng khi lãi suất điều hành tăng.
Tuy nhiên, khi xem xét toàn diện hơn, các chuyên gia đã chỉ ra 4 điểm bất lợi đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ) khi lãi suất tăng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dùng lãi suất hiện hành để đánh giá hiệu quả đầu tư (so sánh giữa tỷ suất sinh lời và lãi suất hiện hành). Phần lớn tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm đang ở dạng lãi suất cố định, nên lãi suất tăng sẽ dẫn tới các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sinh lời của danh mục đầu tư khi so sánh với lãi suất hiện hành giảm đi.
Thứ hai, về mặt kinh doanh, khách hàng sẽ có sự so sánh lãi suất giữa công ty bảo hiểm chi trả theo hợp đồng và lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng. Khi lãi suất tăng, việc mua bảo hiểm sẽ kém hấp dẫn hơn trước nếu so sánh với các tài sản ít rủi ro khác (ví dụ khách hàng có thể sẽ chuyển từ mua bảo hiểm sang gửi tiền ở ngân hàng).
Thứ ba, giá trị thị trường (mark to market) của danh mục đầu tư sẽ giảm do lãi suất tăng dẫn đến giá trái phiếu đang nắm giữ giảm xuống. Riêng với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, danh mục đầu tư chủ yếu là các tài sản ngắn hạn (bao gồm tiền gửi và trái phiếu có kỳ hạn ngắn) và do đó, tác động của tăng lãi suất sẽ hạn chế hơn bởi những tài sản này sẽ đáo hạn sớm và chuyển sang đầu tư ở mức lãi suất cao hơn.
Thứ tư, lãi suất tăng thường có tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, dẫn tới lợi nhuận từ những khoản đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng.
KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 3 ẢM ĐẠM
Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của 11 doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, chỉ có 3 công ty tăng trưởng lợi nhuận là MIG (Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (MIG), Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) và Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (BLI)
6/11 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết có lợi nhuận trước thuế giảm mạnh và 2 doanh nghiệp lỗ trong quý 3.
Mặc dù trong quý 3/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 11 doanh đang niêm yết đạt 16.384 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng không theo kịp mức tăng 17% của chi phí kinh doanh bảo hiểm (chi phí bồi thường và chi phí khác).
Ngoài lý do trên, lợi nhuận đầu tư tài chính giảm sâu cũng khiến bức tranh tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trở nên ảm đạm.
Với mức lỗ trước thuế hơn 202 tỷ đồng, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ nặng nhất trong quý 3. Nguyên nhân chính là hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ gộp 169 tỷ đồng cùng lợi nhuận đầu tư tài chính đi lùi 8%, về còn hơn 32 tỷ đồng.
Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (AIC) lỗ trước thuế hơn 32 tỷ đồng trong quý 3. AIC cho biết trong quý 3 năm nay, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng mạnh do cùng kỳ năm trước áp dụng lệnh giãn cách phòng chống dịch COVID-19 nên hoạt động đi lại và dịch vụ vận chuyển bị hạn chế giúp tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với năm 2022.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán quý 3/2022 không thuận lợi so với cùng kỳ năm trước nên phần trích lập dự phòng tổn thất đầu tư chứng khoán tăng, khiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm sâu.
Các doanh nghiệp có lợi nhuận giảm 2 con số phải kể đến BVH, VNR, ABI, BIC, PRE và PGI. Hầu hết các doanh nghiệp đều giải trình lý do lợi nhuận đi lùi là thị trường tài chính – bảo hiểm nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong 9 tháng đầu năm 2022 có sự biến động mạnh so với cùng kỳ 2021.
Đây là quý thứ 2 liên tiếp trong năm 2022 lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết bị bào mòn do thị trường chứng khoán lao dốc.