15:43 21/04/2022

Lại xả cuối phiên, blue-chips “cân” không nổi, VN-Index mất thêm 14 điểm

Kim Phong

Phiên chiều nay thị trường có trượt giảm, nhưng không rơi thẳng đứng như trước, làm nổi lên kỳ vọng lực giải chấp đã vãn. Tuy nhiên đó chỉ là những phút hi vọng, áp lực bán tổng thể vẫn còn rất mạnh, bán dồn vào cuối ngày khiến VN-Index giảm 14,51 điểm, còn 1.370,21 điểm.

VN-Index lại lao dốc chiều nay, thể hiện áp lực bán vẫn lớn.
VN-Index lại lao dốc chiều nay, thể hiện áp lực bán vẫn lớn.

Phiên chiều nay thị trường có trượt giảm, nhưng không rơi thẳng đứng như trước, làm nổi lên kỳ vọng lực giải chấp đã vãn. Tuy nhiên đó chỉ là những phút hi vọng, áp lực bán tổng thể vẫn còn rất mạnh, bán dồn vào cuối ngày khiến VN-Index giảm 14,51 điểm, còn 1.370,21 điểm.

Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh nên thị trường có thể chịu cả tác động kép từ các giao dịch này. VN30-Index thậm chí đang tăng 2,69 điểm cuối đợt khớp lệnh liên tục còn bị ép xuống giảm 8,63 điểm lúc đóng cửa, tức là biến động trên 11 điểm ở đợt ATC.

Nhiều cổ phiếu trụ bị ép mạnh xuống bằng khối lượng bán rất lớn. Chẳng hạn VIC đang từ 78.800 đồng bị đánh xuống 77.500 đồng với 809 ngàn cổ, giá chốt phiên giảm 2,27% so với tham chiếu. VHM từ 65.700 đồng rơi thẳng xuống 64.000 đồng bằng 1,32 triệu cổ xả, giá đóng cửa giảm 4,19%. Cả loạt blue-chips khác như HPG, MSN, TCB, VPB... cũng đều biến động theo hướng tụt giá ở đợt ATC, dù vẫn đóng cửa trên tham chiếu.

VN-Index đóng cửa giảm 1,05%, thực ra cũng không biến động quá mạnh, chênh lệch so với cuối đợt khớp lệnh liên tục chỉ khoảng 3 điểm. Độ rộng vẫn rất hẹp với 132 mã tăng/311 mã giảm, trong đó 92 mã giảm sàn mất thanh khoản.

Phiên hôm nay tiếp tục cho thấy áp lực bán vẫn còn, dù không mạnh như những phiên trước. Độ rộng quá hẹp, mức giảm quá sâu tức là nhu cầu bán bằng được vẫn chưa chấm dứt. Duy có nhóm blue-chips đề kháng tốt hơn.

Trong 132 cổ phiếu còn tăng giá ngược dòng ở HoSE, VN30 đóng góp 11 mã. Số giảm ở rổ này là 17 mã, trong đó 13 mã giảm trên 1%. Ảnh hưởng của VN30 chủ đạo có liên quan đến phiên đáo hạn phái sinh. Những cổ phiếu biến động mạnh ở đợt ATC đều là trụ của chỉ số VN30-Index.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn thiệt hại nặng nhất.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn thiệt hại nặng nhất.

Ngược lại, áp lực bán tự nhiên vẫn tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, hàng đầu cơ. Chỉ số VNSmallcap giảm 2,58% hôm nay, với 168 mã giảm/33 mã tăng, trong đó 62 mã giảm sàn. Các cổ phiếu đầu cơ hạng nặng một thời như FLC, ROS, APH, MCG, HHS, QBS, QCG, LCG... vẫn chưa thể ngừng lao dốc.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán giao dịch giao dịch nổi bật hôm nay, nhưng cũng là suy yếu về cuối ngày. MBB đóng cửa tăng 1,69% là mạnh nhất nhóm ngân hàng cũng là bốc hơi 5 bước giá đợt ATC. TCB còn tăng 1,28%, BID tăng 1,45%, CTG tăng 1,05% đều không phải là mức tăng tốt nhất ngày. Nhóm chứng khoán chỉ có VND đóng cửa ở mức cao nhất, tăng 6,77%, còn SSI, HCM, VCI... đều tụt giá.

Dòng tiền vào thị trường buổi chiều khá kém, hai sàn niêm yết chỉ khớp thêm 9.519 tỷ đồng, bằng 65% phiên sáng. Tuy nhiên nhờ buổi sáng giao dịch khá lớn, nên cả ngày thanh khoản tăng hơn 13% so với hôm qua. Ngưỡng khớp lệnh hơn 24,2 ngàn tỷ đồng hai sàn không phải là lớn. Đợt giải chấp này thị trường duy trì giao dịch tương đối nhỏ, chẳng hạn tuần trước trung bình là 21,6 ngàn tỷ đồng khớp lệnh mỗi phiên, tuần này chỉ 23,9 ngàn tỷ đồng trong 4 ngày qua.

Áp lực giải chấp với quy mô margin khổng lồ cuối quý 1 vừa qua cần một mức thanh khoản lớn để chuyển giao càng nhanh càng tốt. Khi thanh khoản chỉ ở mức thấp, cái bù lại chính là thời gian.

Điểm tích cực nhất hôm nay là khối ngoại đã mua ròng tới gần 935 tỷ đồng trên sàn HoSE. Khối này mua mạnh VRE (71,1 tỷ), VNM (56,8 tỷ), NLG (48,9 tỷ), MSN (47 tỷ), DXG (44,6 tỷ)... Phía bán ròng có VHM (63,2 tỷ), DPM (60,6 tỷ), CII (50,8 tỷ).