09:49 11/04/2007

Làm ăn với Mỹ, phải lobby

Tại Việt Nam, lobby (vận động hành lang) thường được hiểu rất gần với việc làm “xấu”. Nhưng làm ăn với Mỹ thì phải lobby

Bà Tôn Nữ Thị Ninh đang trao đổi với ông William Carnahan - luật sư tư vấn các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế từ Washington DC và ông Lương Văn Lý (bên trái) - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư DNL.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh đang trao đổi với ông William Carnahan - luật sư tư vấn các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế từ Washington DC và ông Lương Văn Lý (bên trái) - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư DNL.
Tại Việt Nam, lobby (vận động hành lang) thường được hiểu rất gần với việc làm “xấu”. Nhưng làm ăn với Mỹ thì phải lobby.

Vậy hiểu như thế nào là lobby?

Làm quen với lobby

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, kể để tìm sự ủng hộ cho Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới..., với Mỹ, Việt Nam đã lobby để tranh thủ sự ủng hộ của một thượng nghị sĩ tiểu bang có nhà máy sản xuất môtô Harley Davidson, do ông này đang muốn Việt Nam mở cửa cho dòng xe gắn máy phân khối lớn vào Việt Nam.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, từ “lobby” vẫn chưa được hiểu đúng, thậm chí có vị lãnh đạo còn cho rằng lobby là cái gì đó lén lút, không công khai, phạm pháp. Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư DNL Lương Văn Lý cho rằng khó có thể trong một sớm một chiều gột rửa được “tiếng xấu” của từ lobby, đặc biệt là ở Việt Nam.

“Công việc này không đơn giản chút nào, để chữ lobby có thể hiểu được theo nghĩa đích thực của nó như là một kênh thông tin có thể tạo nên sự đồng cảm giữa chính quyền và doanh nghiệp”, ông Lý nói.

Đã đến lúc cần nhìn nhận và công khai hóa các qui định liên quan đến lobby để xã hội tiếp cận được mặt tích cực đúng nghĩa của nó. Để lobby “tử tế”, không chỉ hiểu đơn giản là “có phong bì là xong”, ông Lý cho rằng “phải có một hệ thống chính quyền minh bạch, việc lobby mới thật sự tử tế như ý muốn, nếu không tất yếu nó sẽ bị biến dạng”.

Ông Lý cũng nói thêm, rất khó xác định có hay không việc lobby cho nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư, do lobby tại Việt Nam vẫn còn bị rất nhiều định kiến. Chưa kể một loạt khó khăn như xác định cho đúng ai là người có thẩm quyền quyết định, cơ chế minh bạch hóa chưa đi vào tư duy ở các cấp thực hiện... làm cho lobby thông qua hình ảnh các nhà tư vấn cũng khó thực hiện được vai trò của mình.

Theo các chuyên gia, nếu chỉ hiểu lobby là “mang phong bì đi mua chuộc ai đó” thì đây là cách hiểu... thô thiển và kém hiểu biết nhất.

Lobby ở Mỹ thế nào?

Luật sư William Carnahan - luật sư tư vấn các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế từ Washington DC - cho rằng người lobby giống như chiếc ly cần doanh nghiệp rót cho đầy nước (thông tin) để họ nói cho người cần được nghe quan điểm, quyền lợi và điều cần trình bày của doanh nghiệp.

Ông cũng nhắc nhở những điều không nên làm khi lobby ở Mỹ: “Đừng trả tiền, tặng quà, đóng góp quĩ ứng cử của các chính trị gia ở Mỹ. Đừng bao giờ tin khi có người nói rằng họ sẽ làm gì cho bạn”.

“Có những lần tôi đến Quốc hội Mỹ, ở ngoài hành lang rần rần những đoàn vận động cho các dự luật hoặc cho tu chính của nhóm nghị sĩ mà họ đang làm việc”, bà Ninh kể.

Khi đi lobby, doanh nghiệp phải hiểu muốn nói cái gì lâu dài thì chọn kênh thông tin với các thượng nghị sĩ vì họ có sáu năm tại nhiệm tầm nhìn họ xa hơn, trong khi các hạ nghị sĩ chỉ có hai năm cho một nhiệm kỳ của mình nên tầm nhìn và dũng cảm chính trị sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên các thượng nghị sĩ không thể can thiệp việc cụ thể.

Theo Luật sư William Carnahan, doanh nghiệp có thể thuê bất cứ ai từ cựu thượng nghị sĩ, cựu hạ nghị sĩ, cựu bộ trưởng... ngay cả cựu tổng thống làm lobby cho mình. doanh nghiệp có thể kiểm tra thông tin nhân vật nào đang phụ trách vụ lobby nào với giá cả bao nhiêu trên Internet.

“Nhưng cũng giống như điểm huyệt, phải bấm đúng huyệt và cũng phải biết huyệt hóa giải”, ông Trần Sĩ Chương, Giám đốc Tư vấn chiến lược phát triển doanh nghiệp L&A, chia sẻ.

Trước xu hướng có nhiều công ty tư vấn quảng bá rằng họ có thể “lo việc này, việc kia cho doanh nghiệp”, bà Ninh nhắn nhủ bản thân doanh nghiệp phải có kiến thức và hiểu biết để không tốn tiền và thời gian cho các tư vấn mất thời gian và công sức.

“Họ, những công ty tư vấn, không hoàn toàn là phép mầu, đã có những trường hợp công ty tư vấn khuyên rằng việc này không chỉ bỏ ra con tép mà phải bỏ ra hai con tôm hùm mới xong. Nhưng nếu bản thân doanh nghiệp không tự nghiên cứu và hiểu biết gì về lĩnh vực liên quan, khi đó công ty tư vấn đưa hai con tôm hùm thì làm sao mà biết để quyết định cho đúng, vì đôi khi chỉ cần một con tôm hùm bình thường thôi cũng đã là đủ rồi. doanh nghiệp phải hiểu biết để quyết định trên cơ sở có hiểu biết, chứ đừng trở thành tù binh của công ty tư vấn cho dù họ giỏi đến đâu”, bà Ninh khuyến cáo.