16:27 21/02/2014

“Làm gì có doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải”

Nguyên Hà

Tại kỳ họp tháng 5 năm nay, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

Có những doanh nghiệp Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải đại diện phần vốn Nhà nước.
Có những doanh nghiệp Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải đại diện phần vốn Nhà nước.
“Chẳng có bộ nào có doanh nghiệp cả, nói doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải nghe thô lắm ông Thăng ơi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói tại phiên thảo luận sáng 21/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết trong số 202 điều của luật hiện hành dự thảo luật mới sửa đổi, bổ sung 46 điều với nhiều nội dung liên quan đến quản lý nhà nước, thanh tra hàng không, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, đảm bảo hoạt động bay…

Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, song nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn với không ít quy định tại dự thảo luật.

Đặt vấn đề về sự thống nhất với hiến định mọi người được tự do kinh doanh ở các lĩnh vực nhà nước không cấm tại Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi với quy định không cấm cái gì cả thì luật này vận dụng thế nào? Trong khi đó lại có quy định chỉ có doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải mới được vào sân bay kinh doanh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, kinh doanh hàng không là kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện đều được kinh doanh chứ không chỉ có Bộ Giao thông Vận tải mới được kinh doanh. Riêng quản lý bay, vận hành và quản lý vùng trời thì nhà nước quản lý, còn mở sân bay thì khuyến khích tư nhân tham gia, ông Thăng nhấn mạnh.

Với khẳng định “làm gì có doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải” của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Thăng giải thích, không có doanh nghiệp của Bộ, nhưng có những doanh nghiệp Chính phủ giao cho Bộ đại diện phần vốn Nhà nước.

Đồng tình với cách đặt vấn đề của Chủ tịch Quốc hội, một số ý kiến khác cho rằng cần làm rõ hoạt động nào của hàng không dứt khoát là Nhà nước phải chịu trách nhiệm.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải mới được thực hiện việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và các dịch vụ liên quan đến bảo đảm hoạt động bay.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, vấn đề đặt ra không phải là doanh nghiệp thuộc bộ ngành nào mà là doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nào thì mới được thực hiện cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, các dịch vụ liên quan đến bảo đảm hoạt động bay.

Do đó cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát lại quy định nêu trên, nếu thực sự cần thiết thì chỉ nên quy định doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; còn đối với các dịch vụ liên quan đến bảo đảm hoạt động bay không nên chỉ giới hạn do doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện.

Bên cạnh quyền kinh doanh, quy định về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không cũng là nội dung chưa nhận được sự thống nhất cao.

Dự thảo luật giao Bộ Giao thông vận tải quy định giá đối với giá dịch vụ cất cách, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nên để Bộ Tài chính quy định giá, tránh quy định vừa đá bóng vừa thổi còi, vì “biết đâu có lúc nào đó doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải cùng vì lợi ích của hàng không quên đi lợi ích của cộng đồng”.

Lần sửa đổi này dự án luật cũng bổ sung quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhất trí với các nội dung mới này.

Quy định giao Bộ Quốc phòng quyết định trường hợp đặc biệt cho phép vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam cũng là một nội dung mới của dự thảo luật. Cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc thẩm quyền này, vì theo quy định tại điều 64 Luật Năng lượng nguyên tử thì: “Việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép...”.
 
Tại kỳ họp thứ bảy vào giữa năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.