Lạm phát ở đâu cao nhất thế giới?
Một số quốc gia như Venezuela, Argentina và Sudan đã phải vật lộn với sự leo thang chóng mặt của giá cả trong suốt nhiều thập kỷ qua...
Lạm phát ở Mỹ đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính toàn cầu, bởi chính sách tiền tệ của nước này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nền kinh tế khác. Trong hơn 1 năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã theo đuổi mạnh mẽ chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kéo lạm phát từ mức đỉnh của hơn 4 thập kỷ.
Tuy nhiên, nếu so với nhiều nền kinh tế khác, mức lạm phát ở Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ. Sau khi lập đỉnh ở mức trên 9% vào tháng 6 năm ngoái, lạm phát ở Mỹ đã giảm về mức 4% vào tháng 5 - theo dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động nước này.
Theo hãng tin CNN, một số quốc gia như Venezuela, Argentina và Sudan đã phải vật lộn với sự leo thang chóng mặt của giá cả trong suốt nhiều thập kỷ qua. Năm ngoái, giá tiêu dùng ở Venezuela tăng gấp hơn 4 lần so với 1 năm trước đó. Ở Argentina, giá cả của năm 2022 tăng gấp đôi so với năm 2021 - dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy.
Trong khi đó, cũng theo dữ liệu từ IMF, mức lạm phát cao nhất mà một số thế hệ người Mỹ, gồm thế hệ millenial và Gen Z, phải trải qua chính là lạm phát trong những năm gần đây. Từ năm 1982 - năm khởi đầu của thế hệ millenial, lạm phát hàng năm ở Mỹ bình quân ở mức 2,9%, và chỉ vượt 4% đúng 6 lần, bao gồm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 và sau đại dịch Covid-19.
Ở các nền kinh tế phát triển nói chung, lạm phát bình quân ở mức 2,4% kể từ những năm 1990 -theo dữ liệu tổng hợp sớm nhất mà IMF có được. Nhưng thời kỳ lạm phát cực thấp đã kết thúc vào năm 2021, do các yếu tố bao gồm đại dịch và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, theo nghiên cứu của Fed. Vào năm 2021, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển - trong đó có các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Anh và Mỹ - đã tăng lên 5,3%, và sau đó là 7,3% vào năm 2022.
Lạm phát của Venezuela đã liên tục tăng ít nhất là từ những năm 1980, theo dữ liệu của IMF, và đã đạt ngưỡng chưa từng có tiền lệ trong những năm gần đây. Quốc gia Mỹ Latin này chứng kiến siêu lạm phát hơn 130.000% trong năm 2018, khi chính phủ phải phát hành một đồng tiền mới có tên Bolivar Soberano, trị giá bằng 100.000 Bolivar cũ, để đơn giản hóa các giao dịch. Giá một lon Coca-Cola có giá chuyển từ từ 2.800.000 Bolivar “cũ” thành 28 Bolivar “mới”.
Năm 2022, lạm phát của Venezuela vẫn là 310%, cao nhất thế giới trong năm đó.
Ông Andrés Guevara, giáo sư kinh tế tại Đại học Công giáo Andrés Bello ở Caracas và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Omnis, nói rằng những người về hưu và công nhân trong khu vực công ở Venezuela bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc đổi tiền. Ông nói với CNN rằng nhà nước trả lương hưu và lương cho công chức bằng đồng nội tệ, nên việc đồng Bolivar mất giá “gây mất sức mua và khiến các bộ phận dân cư này bị bần cùng hóa một cách ồ ạt” - ông nói với CNN.
“Tôi chỉ có thể mua một miếng pho mát bằng lương hưu”, một người hưu trí Venezuela, ông Nelson Sanchez, nói với CNN. Ông Sanchez may mắn nhận được sự giúp đỡ từ các con của mình. “Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thích nghi,” ông Sanchez, người sau 50 năm làm việc lại phải sống bằng tiền của người thân, cho biết.
Trong khi đó, khi giá cả tăng ở Argentina, tiền lương đã tăng với mật độ thường xuyên hơn. Ông Emiliano Anselmi, nhà kinh tế trưởng tại Portfolio Personal Inversiones, một công ty đầu tư có trụ sở tại Buenos Aires, cho biết: “Có một số tổ chức công đoàn trong một vài lĩnh vực kinh tế yêu cầu sửa đổi tiền lương hai tháng một lần”.
Một ảnh hưởng khác của lạm phát là mọi người cố gắng tiêu tiền càng sớm càng tốt. “Bởi vì mọi thứ sẽ đắt đỏ hơn vào ngày mai, nên mọi người tiêu tiền ngay khi họ nhận được tiền. Điều này càng làm tăng lạm phát”, ông Anselmi nói với CNN.
Ở các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao, tín dụng bị hạn chế, đặc biệt là đối với tầng lớp nghèo. “Thị trường tín dụng không tồn tại ở Argentina. Nếu bạn muốn mua một ngôi nhà, bạn gom từng USD và trả một thể”, bà Anselmi nói.
Trong khi các chính phủ loay hoay với vấn đề ngân sách, người dân đã tìm ra cách để vượt qua những tình huống này. Một trong những giải pháp phổ biến nhất là sử dụng đồng tiền ổn định hơn, đặc biệt là đồng USD.
Theo ông Guevara, việc sử dụng tiền Mỹ để giao dịch là phổ biến ở Venezuela, vì mọi người không tin tưởng vào đồng nội tệ dễ mất giá. “Thực tế đã có một sự đôla hóa nền kinh tế Venezuela”, ông nói và cho rằng việc giải quyết lạm phát ở Venezuela đòi hỏi các thể chế tốt hơn với sự minh bạch cao hơn.
Trong trường hợp của Argentina, ông Anselmi tin rằng sau cuộc bầu cử năm 2024, chính phủ mới sẽ cần áp dụng một kế hoạch ổn định để giảm thâm hụt và lạm phát. Kế hoạch này có thể đồng nghĩa với sự gia tăng nghèo đói và xung đột xã hội, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. “Mồ hôi và nước mắt sẽ đợi Argentina vào năm 2024”, ông nói.