17:20 19/07/2022

Lạm phát và đồng USD mạnh có thể cản bước kinh tế Trung Quốc soán ngôi số 1 của Mỹ

Bình Minh

Bắc Kinh nên “chuẩn bị tinh thần” cho sự “khoa trương” của phương Tây về chuyện này - một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung Quốc nhận định...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Năm nay, nền kinh tế Trung Quốc có thể tụt lại xa hơn so với Mỹ nếu tính toán sản lượng kinh tế theo đồng USD, do lạm phát cao và đồng bạc xanh đã tăng giá mạnh. Bắc Kinh nên “chuẩn bị tinh thần” cho sự “khoa trương” của phương Tây về chuyện này - một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung Quốc nhận định.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 của Trung Quốc được dự báo sẽ cao hơn Mỹ, nhưng khoảng cách tổng sản phẩm trong nước (GPD) 5 nghìn tỷ USD giữa hai nước có thể gia tăng nếu dựa trên các tính toán bằng đồng USD – theo giáo sư David Li Daokui thuộc Đại học Thanh Hoa và là một cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

GDP của Mỹ có thể được phóng đại bởi tỷ lệ lạm phát cao hơn, cùng với sự mất giá của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD sau những đợt tăng lãi suất của Fed – ông Li nhấn mạnh. Khoảng cách kinh tế gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc có thể trở thành một chủ đề xuất hiện trong các tít báo phương Tây.

“Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho việc này”, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Li phát biểu tại một diễn đàn tổ chức tổ chức bởi Học viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Trung Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sự nổi lên mạnh mẽ về kinh tế là một niềm tự hào đối với nhiều người dân nước này. Tuy nhiên, sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, với nguyên nhân là thị trường bất động sản tụt dốc và chính sách chống dịch hà khắc mang tên Zero-Covid, có thể cản bước Trung Quốc vượt qua Mỹ giành lấy vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quý 2 vừa qua, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so voiw cùng kỳ năm ngoái. Một số nhà phân tích nói rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau Covid-19 không ấn tượng bằng tốc độ phục hồi của Mỹ.

Cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Lin Yifu, người hiện là một cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, hồi tháng 5 nói rằng nền kinh tế Trung Quốc thực ra đã vượt qua Mỹ từ năm 2014 nếu tính theo đồng giá sức mua (PPP) và sẽ đến một ngày sản lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi so với của Mỹ.

Hồi tháng 1, một ngày sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 8,1%, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Le Yucheng nói rằng Bắc Kinh “không quan tâm” đến việc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cho dù người ta có nói nhiều về khoảng cách GDP gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc cũng không cần phải lo lắng quá, ông Li nhấn mạnh.

“Xét cho cùng, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia là do nước đó tự tính toán. Chúng ta nên tính trên cơ sở đồng giá sức mua thay vì bằng tỷ giá đồng USD giao ngay. Các yếu tố nền tảng của Trung Quốc vẫn tốt”, ông Li nói.

Năm nay, các nền kinh tế phương Tây rơi vào tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, đối mặt nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu do chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát. Theo dự báo của ông Li, lạm phát cả năm nay ở Mỹ sẽ vượt mức 8%, cao hơn nhiều so với lạm phát ở Trung Quốc. Vị chuyên gia nói Trung Quốc nên tính đến kịch bản mà ở đó các nước phương Tây trải qua một thời kỳ với tốc độ tăng trưởng cao và lạm phát thấp.

Một kịch bản như vậy, hay còn được gọi là tình trạng “stagflation”, có thể mang đến một số lợi thế cho Trung Quốc. Tháng trước, ông Liu Yuanchuan, Chủ tịch Đại học Kinh tế-Tài chính Thượng Hải, nói rằng “stagflation” sẽ khiến cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) càng khó phân ly khỏi các chuỗi công nghiệp và cung ứng của Trung Quốc.

Theo ông Li, do các nước phương Tây nhìn chung là những quốc gia vay nợ, họ có thể sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao hơn, vì lạm phát cao sẽ khiến cho giá trị các khoản nợ của họ giảm đi. Ông cũng cho rằng với tính cách và học thức của các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hiện nay, họ sẽ nghiêng về việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở một mức độ nhất định, thay vì chống lạm phát đến cùng như cách mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Paul Volcker đã làm cách đây 40 năm.

Các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ và tài khoá “rất đơn giản” mà các nền kinh tế phương Tây theo đuổi để chống lại ảnh hưởng của đại dịch chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng trưởng quá nóng hiện nay – ông Li nhấn mạnh.

Ông cho rằng khó có chuyện đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá mạnh so với đồng USD trong năm nay, vì thặng dư thương mại của Trung Quốc đang mạnh và thâm hụt thương mại dịch vụ của nước này đang giảm. Tuy nhiên, ông Li thừa nhận nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu là cú sốc gây ra bởi những đợt bùng dịch Covid-19 gần đây.

“Công việc vận hành kinh tế của chúng ta đã trở nên khá khó khăn. Chúng ta cần dựa trên tình hình thực tiễn”, ông nói tại diễn đàn.

Cùng quan điểm với các chuyên gia kinh tế khác gần đây, ông Li kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề thanh khoản tại các công ty phát triển bất động sản và đảm bảo ổn định kinh tế trước mắt.