16:00 09/11/2021

Lo chính sách hỗ trợ không đến đúng đối tượng

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 9/11, ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội Hà Nội nhấn mạnh, việc sử dụng chính sách tài khóa, chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp rất cần cụ thể hóa đối tượng để áp dụng phù hợp...

Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội Hà Nội
Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội Hà Nội

Theo ông Phạm Đức Ấn, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam cần tăng cường áp dụng chính sách tài khóa hơn nữa, không chỉ cân đối ngân sách bằng tăng, giảm giữa các lĩnh vực và các địa phương, khi nhu cầu chi ngân sách là cần thiết.

"Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công, tăng bội chi ngân sách so với dự kiến, nhưng dư địa vẫn còn tương đối và đó cũng là chính sách để tạo những nguồn thu cho giai đoạn sau", ông Ấn chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Ấn lưu ý, việc sử dụng chính sách tài khóa, chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp rất cần cụ thể hóa đối tượng để áp dụng phù hợp.

Bởi lẽ, hiện nay có nhóm doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng, thậm chí không bị ảnh hưởng bất lợi của đại dịch và không cần Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ cần đổi mới thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, liều thuốc cải cách thể chế mà Chính phủ đưa ra và nhiều đại biểu đã đề cập là rất cần thiết. Vấn đề này cần phải được cụ thể hóa, cải cách nhanh chóng, quyết liệt và triệt để.

Trái lại, với nhóm doanh nghiệp bị tổn thương từ đại dịch thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng như cơ cấu lại nợ, chính sách lãi suất thời gian qua cũng đã rất có tác dụng. Song việc Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng này thông qua lãi suất tới đây cũng cần được tính toán phù hợp, không phải đối tượng nào cũng áp dụng được.

Điển hình nhất, tại phương án ngân sách hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng tiền lãi thì ngân hàng thương mại phải giải ngân 100.000 tỷ đồng. Rủi ro mất vốn ở đây sẽ rất lớn nếu ngân hàng thương mại không lựa chọn được để cấp tín dụng phù hợp. Ngoài ra, với quy mô Việt Nam hiện nay tín dụng đã ở mức 115% GDP, đây là mức tương đối lớn ở trên thế giới và nền kinh tế phát triển lành mạnh, an toàn thì tăng trưởng tín dụng cũng phải được kiểm soát.

Nói thêm về tình hình nợ xấu, ông Ấn đồng tình cao với báo cáo số 402 của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội, cũng như đề xuất về luật hóa nghị quyết này thành Luật Xử lý nợ xấu.

"Đề nghị Quốc hội thông qua theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp là kỳ họp thứ 3 tới đây để tiếp nối Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào tháng 8/2022", ông Ấn nói.

Mặt khác, vị đại biểu đến từ đoàn Hà Nội nhìn nhận, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước vẫn nặng về quản lý hành vi, thủ tục và áp dụng cơ chế như đối với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Do đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước để tạo thêm động lực tăng trưởng.

"Thực tiễn đã chứng minh phương thức này không ngăn chặn được những lãnh đạo doanh nghiệp cố ý làm trái nhưng lại là rào cản đối với đa số doanh nghiệp trong việc đổi mới, đột phá, sáng tạo và đang tạo tư duy lối mòn, tư duy nhiệm kỳ. Vì vậy, cần thay đổi cơ chế quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu giám sát hành vi", vị đại biểu đến từ đoàn Hà Nội nhấn mạnh.