11:00 19/03/2008

Lộ trình cho tiền gửi Kho bạc về Ngân hàng Nhà nước?

Hoàng Vũ

Việc chuyển tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng về Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình để tránh những biến động

Hiện nay mức độ gửi tiền của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại chiếm trên 50% tổng tiền gửi Kho bạc tại Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện nay mức độ gửi tiền của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại chiếm trên 50% tổng tiền gửi Kho bạc tại Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc chuyển tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng về Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình để tránh những biến động.

>>Vốn ngân hàng thở gấp

Liên quan đến việc chuyển số dư tiền gửi Kho bạc tại các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một bản phân tích cụ thể về kinh nghiệm cũng như thực tiễn cần cho Việt Nam.

Trong một bài viết trước, VnEconomy đã đề cập đến con số trên 52.000 tỷ đồng liên quan đến kế hoạch này cũng như những khả năng có thể gây xáo trộn nguồn vốn trên thị trường.

Bản phân tích nói trên (theo tìm hiểu của VnEconomy, tác giả là đại diện cho quan điểm của Vụ Chính sách Tiền tệ) cũng nhận định: “Việc chuyển tiền gửi Kho bạc từ các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước sẽ gây ra sự thiếu hụt nguồn vốn nhất định cho các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng quốc doanh, vì vậy việc chuyển dịch này cần có lộ trình để các ngân hàng thương mại điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của mình cho thích hợp”.

Được biết, hiện số dư tiền gửi của Kho bạc ước khoảng trên 52.000 tỷ đồng, có tại 5 ngân hàng quốc doanh và đang được những ngân hàng này dùng để cho vay các dự án và doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay mức độ gửi tiền của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại chiếm trên 50% tổng tiền gửi Kho bạc tại Ngân hàng Nhà nước. Điều này thực sự gây khó cho Ngân hàng Nhà nước trong kiểm soát tiền tệ.

Theo quy định về thống kê tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tiền gửi của Chính phủ, do tính chất là khoản tiền chi tiêu có kế hoạch nên không có tác động đến lãi suất thị trường nên không được hạch toán vào MS (lượng tiền trong lưu thông), nó được hạch toán bên tài sản có của bảng cân đối tiền tệ toàn ngành với dấu (-), có nghĩa là tiền gửi chính phủ càng lớn thì M2 (tổng phương tiện thanh toán) càng giảm.

“Nếu tiền gửi Chính phủ gửi tại các ngân hàng thương mại, số tiền này đã tạo tiền, qua đó ảnh hưởng đến cung cầu vốn và lãi suất thị trường mà Ngân hàng Nhà nước không thể kiểm soát được”, bản phân tích trên nhận định.

Về định hướng chuyển tiền gửi Kho bạc về Ngân hàng Nhà nước, bản phân tích trên cho rằng đây là giải pháp rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Bởi tiền gửi Chính phủ là cấu thành không nhỏ tác động làm thay đổi tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế.

Nhiều nghiên cứu của các quốc gia trên thế giới cho thấy việc thu và chi tiêu của Chính phủ diễn ra mạnh mẽ có thể gây xáo trộn tiền cơ bản của Ngân hàng Trung ương.

Thực tế ở Việt Nam, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, sự biến động của tiền gửi Kho bạc có những lúc tăng cao đáng kể làm giảm mạnh vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, qua đó làm tăng lãi suất thị trường liên ngân hàng.

Ngược lại, cũng có lúc tiền gửi Kho bạc giảm mạnh làm vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại tăng, gây phức tạp cho điều hành tổng phương tiện thanh toán và lãi suất ngắn hạn của ngân hàng Trung ương. Đặc biệt ở những nước một phần tiền gửi Kho bạc được gửi tại các ngân hàng thương mại thì việc kiểm soát tiền tệ và lãi suất của nhà điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều trở ngại hơn, vì sẽ khó kiểm soát nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.

Do vậy, một thực tế đặt ra đối với các nước là phải có những giải pháp làm giảm ảnh hưởng của tiền gửi Chính phủ đến điều hành tổng phương tiện thanh toán cũng như điều hành lãi suất.

Kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp cho thấy rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để hạn chế những biến động của tiền gửi Chính phủ, nhưng sự biến động về tài chính của Chính phủ vẫn thường xuyên phá vỡ việc điều hành tổng phương tiện thanh toán của Ngân hàng Trung ương.

Một số nước đã áp dụng những giải pháp mạnh. Một trong những giải pháp đó là không cho Chính phủ thay đổi số dư (hay thặng dư vượt quá mức kế hoạch) với Ngân hàng Trung ương hoặc trên thị trường qua đêm. Một giải pháp khác là phạt Chính phủ, bằng cách không trả lãi cho tiền gửi vượt mức quy định.

Ở một số nước, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng Trung ương với Kho bạc Nhà nước để biến tiến gửi Chính phủ là công cụ hữu hiệu cho điều hành chính sách tiền tệ.

Tại Việt Nam, giải pháp chuyển tiền gửi Chính phủ từ các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước bước đầu tạo thuận lợi cho nhà điều hành chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát dòng tiền tại khu vực công; nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước đang cần hút tiền về để giảm áp lực tăng tín dụng tại các ngân hàng thương mại.

Tất nhiên, kế hoạch trên cần thực hiện theo một lộ trình thích hợp để tránh khả năng gây “sốc” nguồn vốn của hệ thống.