13:12 26/09/2022

Loạt “cá mập” Mỹ bi quan về nền kinh tế và thị trường chứng khoán

Bình Minh

Hai nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn và Ray Dalio, cùng chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, đều đưa ra dự báo u ám về kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Nhà đầu tư Carl Icahn, một biểu tượng thành công ở Phố Wall, cảnh báo nhà đầu tư: “Điều tồi tệ nhất còn chưa đến”. Với quan điểm bi quan tương tự, nhà quản lý quỹ phòng hộ lừng lẫy Ray Dalio cũng khuyên nhà đầu tư không nên hy vọng giá tài sản sẽ sớm bật tăng trở lại sau đợt bán tháo vừa rồi.

Phát biểu tại một sự kiện do trang MarketWatch tổ chức vào tuần trước, ông Icahn, 86 tuổi, đưa ra đánh giá u ám về triển vọng nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng đề cập đến những lĩnh vực mà ông cho là mang lại cơ hội cho nhà đầu tư.

Theo MarketWatch, quan điểm bi quan của ông Icahn là điều dễ hiểu: thị trường chứng khoán Mỹ đã trả qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Gần đây, khi lạm phát ở Mỹ tiếp tục “nóng” và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn, giá cổ phiếu ở Phố Wall tiếp tục giảm chóng mặt sau một thời gian phục hồi ngắn.

Tuy nhiên, ông Icahn - người hoạt động trong lĩnh vực tài chính từ năm 1961 và để lại dấu ấn lớn với tư cách một nhà đầu tư chủ động (activist investor) - đang có một năm 2022 rực rỡ. Giá trị tài sản ròng của Icahn Enterprises đã tăng 30% trong 6 tháng đầu năm nay. Nhà đầu tư kỳ cựu nhấn mạnh rằng các chiến lược phòng hộ là chìa khoá cho thành công của ông, và nhà đầu tư vẫn có thể tìm được cổ phiếu để mua.

“Tôi thấy là có nhiều thứ đang rẻ, nhưng chúng sẽ còn trở nên rẻ hơn nữa”, ông Icahn nói và  nhắc đến những công ty lọc hoá dầu và sản xuất phân bón như những cổ phiếu tiềm năng. Ông cho rằng lạm phát giữ một vai trò quan trọng trong sự sụt giảm đang diễn ra trên thị trường. “Lạm phát là điều tồi tệ. Bạn không thể chữa được lạm phát”, ông nói và nhấn mạnh rằng lạm phát chính là nguyên nhân khiến đế chế La Mã sụp đổ.

Lý giải về lạm phát ở Mỹ, ông Icahn cho rằng đó là do Chính phủ Mỹ chi tiêu quá nhiều. “Chúng ta in quá nhiều tiền, và cứ nghĩ bữa tiệc sẽ không bao giờ kết thúc. Và giờ bữa tiệc đã kết thúc”, ông nói.

Icahn cho biết ông ủng hộ việc Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào hôm thứ Tư tuần trước để chống lạm phát, nhưng cho rằng lẽ ra Fed nên cứng rắn hơn, thậm chí nên tăng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm.

Trong một cuộc trao đổi với MarketWatch trước khi Fed nâng lãi suất vào tuần trước, ông Dalio - nhà sáng lập kiêm CEO của công ty quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates – cũng cho rằng Fed phải tiếp tục tăng mạnh lãi suất mới có thể thành công trong việc chống lạm phát. Vì lý do này, cùng với những yếu tố khác như chiến tranh Nga-Ukraine, ông Dalio dự báo giá cổ phiếu và trái phiếu sẽ tiếp tục lao dốc và nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 hoặc 2024.

“Hiện tại, chúng ta đang nhiều khả năng có một năm kinh tế tăng trưởng 0%. Tình hình năm 2023-2024 sẽ tệ hơn, và sẽ ảnh hưởng đến bầu cử”, ông Dalio nói.

“Fed cần tăng lãi suất, cả ngắn hạn và dài hạn lên ngưỡng 4,5%, thậm chí cao hơn thế”, ông Dalio nhấn mạnh, cho rằng cách duy nhất để Fed chống lạm phát thành công là chấp nhận “nỗi đau” kinh tế.

Ông Dalio vốn có quan điểm “tiền mặt là rác”. Khi được hỏi rằng trong bối cảnh hiện nay, liệu “tiền mặt có vẫn là rác”, ông đáp rằng giữ tiền mặt “vẫn là một khoản đầu tư rác” vì lãi suất hiện tăng chưa đủ cao để bù đắp ảnh hưởng của lạm phát.

Một số chuyên gia kinh tế nổi tiếng cũng bày tỏ quan điểm bi quan tương tự như ông Icahn và ông Dalio.

Nhà kinh tế học Nouriel Roubini, người từng dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lần này dự báo một cuộc suy thoái “kéo dài và tồi tệ” sẽ xảy ra ở Mỹ và trên toàn cầu vào cuối năm nay, có thể kéo dài đến hết năm 2023. Cùng với đó, ông Roubini dự báo chỉ số S&P 500 sẽ trải qua một đợt điều chỉnh mạnh.

“Ngay cả trong một kịch bản suy thoái nhẹ, S&P 500 có thể giảm tới 30%”, ông Roubini - người hiện giữ vai trò Chủ tịch kiêm CEO công ty nghiên cứu kinh tế Roubini Macro Associates - phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. Nếu kinh tế “hạ cánh cứng” - kịch bản mà ông cho là nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực, S&P 500 có thể giảm 40%.

Khi lãi suất tăng và chi phí của việc vay nợ ngày càng lớn, “những gia đình, doanh nghiệp, ngân hàng và quốc gia có gánh nặng nợ nần lớn sẽ ‘chết’”, ông Roubini nhận định. Ông cho rằng việc đạt lạm phát mục tiêu 2% mà không gây ra một vụ “hạ cánh cứng” đã trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” đối với Fed.