Loạt cổ phiếu điện, phân bón, cao su tăng rực rỡ, tiền “nóng” vẫn hoạt động mạnh
VN-Index cuối cùng đã giành lại được mốc 1270 điểm trong phiên hôm nay nhờ một số cổ phiếu ngân hàng phục hồi và nhóm trụ xuất hiện VHM, GVR khá mạnh. Tuy nhiên nổi bật vẫn là nhóm cổ phiếu nhỏ, trong đó các mã ngành điện, cao su, phân bón tăng ấn tượng...
![FPT, MWG xuất hiện áp lực bán tháo mạnh phiên này.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/13/bong-bong.png)
VN-Index cuối cùng đã giành lại được mốc 1270 điểm trong phiên hôm nay nhờ một số cổ phiếu ngân hàng phục hồi và nhóm trụ xuất hiện VHM, GVR khá mạnh. Tuy nhiên nổi bật vẫn là nhóm cổ phiếu nhỏ, trong đó các mã ngành điện, cao su, phân bón tăng ấn tượng.
Xét về thanh khoản, rổ VN30 hôm nay tăng giao dịch khoảng 9% so với hôm qua nhưng chủ yếu là do hoạt động bán tháo tại MWG và FPT. Thực vậy, nhóm blue-chips này tăng khoảng 370 tỷ đồng giá trị khớp lệnh so với phiên trước thì riêng hai cổ phiếu nói trên tăng 485 tỷ đồng. Áp lực bán tăng vọt là nguyên nhân dẫn đến thanh khoản tăng.
MWG hôm nay có phiên lao dốc 2,84% thủng đáy 9 tháng về mức 54.800 đồng/cp. Thanh khoản 11,35 triệu cổ tương đương 625,4 tỷ đồng là mức cao nhất của cổ phiếu này kể từ giữa tháng 11/2024. MWG cũng chứng kiến phiên lao dốc thứ 7 phiên tiếp, bốc hơi 8,05% giá trị. Giao dịch bán của nhà đầu tư trong nước chiếm tới trên 83% tổng thanh khoản MWG. Tính từ đầu tháng 2/2025, MWG cũng đã giảm 8,8%, là blue-chips yếu nhất rổ VN30.
May mắn cho VN-Index là vốn hóa của MWG khá nhỏ, chỉ đứng thứ 17 nên mức giảm cực mạnh này lấy đi khoảng 0,56%. FPT mới là cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất. Mức giảm 1,31% phiên này được bù lại bằng vốn hóa lớn thứ 4, lấy đi 0,67 điểm. FPT cũng là cổ phiếu giảm mạnh thứ hai sau MWG trong tháng 2/2024 với mức giảm tổng cộng 6,7%. Thanh khoản FPT hôm nay cũng đứng thứ 2 thị trường với 2,85 triệu cổ trị giá 409,1 tỷ đồng.
MWG và FPT cũng là hai cổ phiếu duy nhất giảm mạng trong rổ blue-chips VN30. Nhóm này vẫn có số cổ phiếu xanh vượt trội với 19 mã và 8 mã đỏ. Tuy nhiên chỉ số đại diện rổ tăng rất nhẹ 0,16% do tác động quá mạnh từ hai cổ phiếu nói trên. Trong khi chỉ lấy đi 1,23 điểm từ VN-Index, MWG và FPT khiến VN30-Index mất tới 3,4 điểm.
Nếu không tính giao dịch của MWG và FPT thì rổ VN30 sụt giảm thanh khoản ở các cổ phiếu còn lại. Dù số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo nhưng biên độ tăng cũng không mạnh. GVR tăng 2,43%, VHM tăng 1,97%, PLX tăng 1,57%, VRE tăng 1,52% là các mã mạnh nhất. Trong số này GVR và VHM vốn hóa đáng kể để kéo VN-Index. Ngoài ra một số mã ngân hàng phục hồi như CTG, TCB, MBB, LPB cũng hỗ trợ điểm số.
![Loạt cổ phiếu điện, phân bón, cao su tăng rực rỡ, tiền “nóng” vẫn hoạt động mạnh - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/13/vnindex-intraday.png)
Nhóm blue-chips đã nỗ lực giữ nhịp thị trường chung khá tốt phiên này và các cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên ghi nhận 210 mã tăng/229 mã giảm thì 84 mã tăng trên 1% đại đa số là các cổ phiếu trung bình tới nhỏ. Giao dịch xuất sắc thuộc về nhóm cổ phiếu điện khi dự báo nhu cầu điện tăng vọt trong năm nay để phục vụ sản xuất hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao: POW tăng 2,1%, GEE tăng 5,84%, NT2 tăng 6,5%, GEG tăng 2,01%, PPC tăng 2,16%, VPD tăng 2,78%, GEX tăng 3,02%...
Thực tế có khá nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ phiên này thu hút dòng tiền còn vượt trội cả blue-chips. DPM tăng 4,74% khớp 334,2 tỷ; DCM tăng 3,86% với 255,2 tỷ; CSV tăng 5,87% với 227,8 tỷ; CTD tăng 6,26% với 162 tỷ; HAH tăng 2,26% với 144,6 tỷ; DIG tăng 1,64% với 112,5 tỷ. Toàn sàn HoSE phiên này có 33 cổ phiếu thanh khoản vượt trăm tỷ đồng thì 24 mã tăng giá và rổ VN30 đóng góp 11 mã. Thuần túy về biên độ, có TRC, BMC, STK, DPR, BCE… tăng trên 4%.
Tính chung nhóm 84 cổ phiếu tăng tốt nhất của VN-Index phiên này đóng góp 29,4% tổng thanh khoản thị trường. Trong khi đó dù độ rộng thể hiện số lượng mã đỏ nhỉnh hơn (229 mã) thì chỉ có 43 mã giảm mạnh hơn 1% và cũng chỉ chiếm 15,7%. Tỷ trọng này là đã bao gồm cả giao dịch cực lớn ở MWG và FPT, nếu trừ hai mã này thì số còn lại chiếm 6,4%.
Rõ ràng với số lớn cổ phiếu tăng giá ấn tượng, tập trung dòng tiền tốt thì dù VN-Index luẩn quẩn tăng rất yếu cũng không phải là vấn đề. Nhà đầu tư đang có khuynh hướng rời bỏ các cổ phiếu vốn hóa lớn và dòng tiền ngắn hạn hoạt động mạnh ở các mã vừa tới nhỏ. Hôm nay nếu không tính phần thanh khoản vượt trội của MWG và FPT thì rổ VN30 hôm nay giảm thanh khoản khoảng 1% so với hôm qua. Ngược lại nhóm Smallcap tăng thanh khoản tới 22%.
Nhà đầu tư nước ngoài giảm cường độ bán khá nhiều, mức ròng trên HoSE chỉ còn -233,3 tỷ đồng, khoảng một nửa so với hôm qua. Các cổ phiếu bị bán nhiều là VNM -67,1 tỷ, VPB -58,3 tỷ, MWG -47,8 tỷ, NLG -41,8 tỷ, VND -30,6 tỷ, FPT -20 tỷ, SSI -27,2 tỷ, FRT -25,3 tỷ, CTG -23,4 tỷ, CTR -22,6 tỷ. Phía mua ròng có DPM +43,5 tỷ, MSN +32,7 tỷ, CSV +28,9 tỷ, HAH +22,4 tỷ, GEX +24,9 tỷ, VHM +24,8 tỷ, TCH +23 tỷ, HPG +20,9 tỷ.