08:08 07/11/2023

Lợi nhuận không cao nhưng rủi ro lớn, nhà đầu tư nản lòng với dự án PPP giao thông

Ánh Tuyết

Đây là một trong nhiều lý do khiến các dự án PPP khó thu hút nhà đầu tư tham gia, được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ ra trong phiên chất vấn chiều ngày 6/11. Ngoài ra, việc chậm trễ xử lý 8 dự án BOT bất cập cũng khiến doanh nghiệp e ngại...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng nhà đầu tư PPP chịu nhiều bất lợi khi tham gia dự án PPP - Ảnh: Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng nhà đầu tư PPP chịu nhiều bất lợi khi tham gia dự án PPP - Ảnh: Quochoi.vn.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiều ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong thời gian qua, nhiều công trình, dự án lớn đầu tư theo phương thức PPP của ngành giao thông vận tải còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập.

NHIỀU BẤT LỢI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng ngoài hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có việc hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 - 15 năm. Trong khi đó, khả năng hoàn vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 năm và có thể kéo dài tới 30 năm đối với với từng dự án PPP.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nêu trên nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết từ khi Luật PPP được ban hành, việc thu hút các dự án chưa nhiều và chưa hiệu quả. Thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia.

Giải trình lý do các dự án PPP chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư, Bộ trưởng cho rằng, về khách quan do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó, sức khoẻ tài chính giảm sút.

Mặt khác, "đầu tư trong lĩnh vực giao thông đem lại lợi nhuận không cao nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro", Bộ trưởng nêu rõ.

Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe nhưng lượng xe phân bố không đồng đều, chủ yếu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh nên gây những bất lợi cho nhà đầu tư.

 

"Cùng với đó, phần vốn Nhà nước hỗ trợ cho các dự án PPP chưa hấp dẫn, tối đa 50%, trong khi đó, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng lớn nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra, còn một số vấn đề về cơ chế, chính sách cần phải nhìn nhận, điều chỉnh".

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải .

Thực tế cho thấy, với các dự án giao thông vận tải đang triển khai, tỷ trọng phần giải phóng mặt bằng bình quân khoảng 15% tổng mức đầu tư dự án, trừ dự án qua đô thị lớn như Vành đai 4 Hà Nội là 23%.

Chẳng hạn, tỷ lệ chi phí giải phóng mặt bằng/tổng mức đầu tư của các cao tốc đang triển khai như Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 5%, Diễn Châu - Bãi Vọt là 10%, Nha Trang - Cam Lâm là 11%, Gia Nghĩa - Chơn Thành là 15,5%. Tuy nhiên, tại dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương, tỷ lệ này lên tới 42,2%, qua tỉnh Long An là 43%, qua TP. Hồ Chí Minh là 49,9%, qua tỉnh Đồng Nai cao nhất ở mức 56,6%.  

Cũng theo Bộ trưởng, hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án PPP, vấn đề họ quan ngại là cần bảo lãnh doanh thu của Chính phủ, việc chuyển đổi ngoại tệ khi thu hồi vốn. Bên cạnh đó, vấn đề khiến cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước e ngại là giải phóng mặt bằng.

"Thường các dự án PPP tại nhiều quốc gia tách cấu phần giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu tập trung triển khai dự án", Bộ trưởng thông tin.

Nhận diện được các khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư.

Với tinh thần đó, ngay tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ như nâng tỷ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.

GẬP GHỀNH TÌM LỐI THOÁT CHO 8 DỰ ÁN BOT BẤT CẬP

Liên quan đến việc Quốc hội giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc về trạm thu phí dự án BOT.
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc về trạm thu phí dự án BOT.

Đối với phần chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng khẳng định, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT và đề xuất chi phí xử lý khoảng 10.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ này đã được triển khai từ lâu nhưng có nhiều vấn đề phức tạp trong việc tháo gỡ cho các dự án này.

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành kết luận, yêu cầu Bộ Giao thông và Chính phủ giải trình một số vấn đề.

Ngoài 8 dự án trên, các địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc nên cũng cần làm rõ để có giải pháp tháo gỡ; hay vướng mắc về nguồn tiền xử lý từ đau, từ nguồn tăng thu ngân sách hay đầu tư công trung hạn. Về vấn đề liên quan đến pháp lý, 8 dự án đều triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực nên cũng gặp vướng.

Do vậy, hiện nay Bộ Giao thông vận tải tích cực triển khai các bước tháo gỡ khó khăn và đàm phán với các chủ thể trong dự án, trong đó có các ngân hàng. Trong các cuộc đàm phán này, ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư cần hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn nhưng chưa đi đến thống nhất.

Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp và giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11, hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháo gỡ 8 dự án BOT, trong đó, 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị ngân sách hỗ trợ.

 

Đối với 5 dự án kiến nghị chấm dứt hợp đồng, mức vốn thanh toán dự kiến khoảng 6.812 tỷ đồng. Theo đó, 5 dự án được đề xuất chấm dứt hợp đồng trước hạn, thanh toán chi phí cho nhà đầu tư gồm: Dự án BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; Dự án BOT đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa; Dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ; Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3; Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk. 

Còn 3 dự án bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến khoảng 3.530 tỷ đồng, tương ứng khoảng 49% tổng vốn đầu tư theo kết quả kiểm troán, quyết toán vốn đầu tư, nhà đầu tư chia sẻ giảm lợi nhuận đó là: Dự án BOT cầu Thái Hà; Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì; Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả.