16:32 31/07/2024

Long An thúc đẩy kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững

Thanh Thủy

Thời gian qua, tỉnh Long An không ngừng triển khai nhiều giải pháp pháp như ưu đãi thuế, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tăng giám sát về môi trường… với mục tiêu cải thiện các điểm số thành phần nằm trong bộ Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI)…

Khu công nghiệp Long Hậu tại tỉnh Long An đã đầu tư đã xây dựng hai nhà máy cấp nước sạch - Ảnh minh họa.
Khu công nghiệp Long Hậu tại tỉnh Long An đã đầu tư đã xây dựng hai nhà máy cấp nước sạch - Ảnh minh họa.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, năm 2023, PGI của tỉnh đạt 23,07 điểm, xếp hạng 12 cả nước, tăng 16 bậc so với năm 2022. Trong đó, chỉ số thành phần liên quan đến chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường nằm trong nhóm ba tỉnh cao nhất cả nước.

Để đạt được kết quả này, tỉnh Long An đã triển khai các ưu đãi về thuế, dịch vụ tư vấn và dịch vụ kỹ thuật để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp xanh, khuyến khích các doanh nghiệp này mở rộng quy mô. Đồng thời, các doanh nghiệp chưa quan tâm, khi tiến hành chuyển đổi xanh, cũng sẽ nhận các ưu đãi.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng đồng loạt triển khai hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, xử lý các trường hợp vi phạm quy định. Nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng trong khâu quản lý môi trường. Quy trình tiếp nhận đầu tư ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao, có định hướng xanh, bền vững.

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cũng đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh nằm trong nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước dựa trên công nghiệp xanh, tự động hóa, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đang vận hành 6 trạm quan trắc tự động, gồm 3 trạm không khí và 3 trạm nước. Cơ quan này cũng theo dõi 42 trạm quan trắc khí thải và nước thải của doanh nghiệp có nguồn thải lớn với tần suất 5 phút một lần.

Sở cũng đã tiến hành kiểm tra chất lượng nước mặt trên các tuyến sông, kênh, rạch chính và môi trường không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp và chốt giao thông chính với tần suất một lần mỗi quý.

Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Long An, các doanh nghiệp tại Long An tích cực trong triển khai các giải pháp xanh như ứng dụng công nghệ vào xử lý chất thải rắn, nước thải, hạn mức phát thải ra môi trường.

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp hàng đầu khu vực phía Nam, địa phương cũng đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường. Nhiều khu công nghiệp chủ động quy hoạch theo định hướng sinh thái, bền vững.

Đơn cử, tại khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, đơn vị đầu tư đã xây dựng hai nhà máy cấp nước sạch công suất 11.000 m3 một ngày đêm. Hệ thống xử lý nước thải tại đây sử dụng công nghệ AAO (Anaerobic - kỵ khí, Anoxic - yếm khí - Oxic hiếu khí), bảo đảm 100% đầu ra đạt tiêu chuẩn; nước sau đó được tận dụng để vệ sinh và tưới cây.

Bên cạnh đó, một số khu nhà xưởng lắp đặt điện mặt trời, chuỗi cung ứng liên kết nội khu cũng được hình thành, liên kết các doanh nghiệp, tận dụng phế thải làm nguyên liệu, tối ưu sản xuất để giảm chi phí và ảnh hưởng đến môi trường.

Các khu công nghiệp mới như Prodezi Long An, huyện Bến Lức, quy mô 400 ha cũng được quy hoạch theo hướng sinh thái, ưu tiên những ngành nghề, doanh nghiệp công nghệ cao. Khuôn viên dành đến 50 ha cho không gian cây xanh, mặt nước.

Dù vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận tỉnh Long An vẫn còn nhiều khó khăn trong nâng cao chỉ số PGI. Trong đó, Sở đề cập đến 3 cụm công nghiệp là Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông và Hoàng Gia, đã hoạt động nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, chưa đầu tư hệ thống thu gom nước thải đô thị trước khi thải ra môi trường; khả năng thu hút các nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn còn chậm.

 

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh TP.HCM và là cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, Long An có kinh tế sôi đội. Tỉnh có hơn 2.200 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 300.670 tỷ đồng và hơn 1.300 dự án đầu tư nước ngoài với nguồn vốn 11,2 tỷ USD.