14:13 25/02/2024

Lương hưu người làm khối nhà nước bình quân hơn 6 triệu đồng

Phúc Minh

Người nghỉ hưu ở khu vực nhà nước hiện đang nhận mức lương hưu bình quân khoảng 6,1 triệu đồng. Lương hưu của người hưởng ở khu vực này hiện được tính bình quân trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của số năm cuối trước khi nghỉ hưu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2023, số người đang nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định khoảng 1,27 triệu người, mức hưởng bình quân là 6,1 triệu đồng/tháng.

Luật hiện hành quy định, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì lương hưu của họ được tính bình quân trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của số năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Trong khi đó, lương hưu của lao động khu vực tư nhân được tính bình quân trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian làm việc. Điều này khiến có sự chênh lệch giữa mức lương hưu bình quân giữa hai khu vực.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ ngày 1/7/2024 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ được hưởng mức tiền lương mới do cải cách tiền lương, cao hơn mức lương theo hệ số.

Do đó, những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương sau cải cách càng dài, thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu cũng tăng tương ứng, và cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.

Như vậy, sẽ dẫn đến vấn đề chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới, cũng như có sự so sánh mức lương hưu giữa người nghỉ hưu thuộc 2 khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Hiện số tiền lương hưu hằng tháng thấp nhất của người thụ hưởng khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng (bằng mức lương cơ sở), trừ đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, người có lương hưu cao nhất là ông P.P.N.T ở TP. HCM với số tiền nhận về khoảng 140 triệu đồng/tháng.

Nhằm gia tăng số người thụ hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội khi còn độ tuổi lao động, đồng thời hạn chế số người rời khỏi hệ thống an sinh bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Quyết định 38/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến cuối năm 2025, cả nước có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp. Đến năm 2030, cả hai tỷ lệ đều tăng lên 60%.