Lý do đề xuất chỉ được rút tối đa 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Do quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp, vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội cả 2 phương án, trong đó có đề xuất chỉ được rút tối đa 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần...
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tại dự thảo luật hoàn thiện gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt là liên quan đến điều hiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
CÒN BĂN KHOĂN VỀ 2 PHƯƠNG ÁN RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
Tại dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần để xin ý kiến.
Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, phương án này kế thừa từ quy định hiện hành, không có thay đổi nên không gặp phản ứng của người lao động; người lao động được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần cho toàn bộ thời gian đóng.
Tuy nhiên, theo phương án này khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần là rời khỏi hệ thống do hưởng hết thời gian đóng; người lao động sẽ phải tích lũy lại từ đầu nên sẽ bị thiệt thòi trong thụ hưởng các chế độ khi tham gia lại (do thời gian đóng ngắn), đặc biệt rất có thể sẽ không đủ điều kiện để được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu do không tích lũy đủ thời gian.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo phương án này, mặc dù số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng sau khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống, do vẫn bảo lưu được phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia).
Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn; họ có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Quá trình tổng hợp ý kiến từ quá trình khảo sát thực tế tại các địa phương, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp... cho thấy đa số người dân tham gia khảo sát lựa chọn theo phương án 1, một số ít người lựa chọn phương án 2.
Tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, đa số ý kiến các bộ, ngành, địa phương lựa chọn phương án 2; một số ít lựa chọn phương án 1.
Mặc dù vậy, theo phương án này, người lao động không được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội trên toàn bộ thời gian đóng, và có cảm giác giảm quyền lợi do chỉ được giải quyết trên thời gian đóng ngắn hơn, có thể dẫn đến phản ứng nhất định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, để hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: dễ dàng hơn điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm).
Ngoài ra, người lao động có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
“Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp, nên cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội cả 2 phương án trên”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu.
Theo Bộ này, sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tổng số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người. Trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động, và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2022.
GIẢM SỐ NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỂ HƯỞNG LƯƠNG HƯU CÒN 15 NĂM
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của người lao động khác là việc cơ quan soạn thảo đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu.
Theo số liệu thống kê, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có trên 500 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 70 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận bảo hiểm xã hội một lần do chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; có trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Bộ cho rằng, nếu vấn quy định thời gian tối thiểu 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu.
Vì vậy, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì họ phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.
“Với quy định nêu trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài, nếu tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hoặc thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu họ nhận bảo hiểm xã hội một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu), nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng”, Bộ này lý giải.
Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ Bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Tính đến ngày 28/5/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 158 văn bản góp ý từ các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, các tập đoàn, công ty, hiệp hội doanh nghiệp đối với hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau 60 ngày đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ, có 304 ý kiến góp ý của công dân, tổ chức đối với dự thảo Luật.
Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia góp ý của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, người lao động, người sử dụng lao động và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngày 29/5/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định Dự án Luật này.