Mắm tôm “hoạt động” bí mật
Một tâm lý ngần ngại, thậm chí sợ hãi, vẫn đang trùm lên những người kinh doanh mắm tôm
Một tâm lý ngần ngại, thậm chí sợ hãi, vẫn đang trùm lên những người kinh doanh mắm tôm và cả những quán ăn nhà hàng có dùng mắm tôm trong thực đơn.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã xin lỗi các nhà sản xuất và người dân về vấn đề mắm tôm, nhưng dường như thứ đồ chấm truyền thống của vùng Bắc bộ này vẫn chưa được giải nỗi oan.
Bán mắm tôm như bán… hàng cấm
Ở Hà Nội, người ta bảo nhau rằng nguồn mắm tôm, mắm tép, cung cấp cho các nhà hàng và người tiêu dùng lẻ là chợ Hàng Bè. Nhưng tới nơi, mới biết rằng mắm tôm ở đây giờ được bán theo hình thức “trông mặt bắt khách”.
Dạo qua một vòng chợ, đố ai nhìn thấy bất cứ chai mắm tôm, lọ mắm tôm nào. “Mắm tôm giờ ai dám bán. Ừ, đúng là không có lệnh cấm, nhưng anh cứ thử bày ra xem, quản lý chợ họ lại không ‘hỏi thăm’ ngay ấy à?”, cô chủ xinh xắn của một sạp hàng tên Hương cao giọng nói.
Chợ Hàng Bè có một số gia đình kinh doanh mắm tôm nổi tiếng xưa nay. Họ đặt riêng mắm tôm từ các nhà sản xuất của Thanh Hoá và cung cấp cho các địa chỉ quen như cửa hàng thịt chó, bún thang… Thời chưa có dịch, nhà bà Boong có lúc bán buôn hàng tấn mắm tôm, nhưng đến giờ phải chuyển, sống nhờ vào mấy vại dưa cà. Còn nhà bà Công, đúng như cảnh báo của cô Hương, dứt khoát phải là khách quen mới được bà dẫn vào nhà ở trong ngõ sâu. Ngay cả gánh hàng “bún đậu, mắm tôm và chân giò giả cầy” của cô con dâu bà cũng rút vào “hoạt động bí mật” trong ngõ.
“Thành phố đã có lệnh cấm nên chúng tôi kiểm tra chặt chẽ lắm. Hộ nào có bày bán mắm tôm là chúng tôi nhắc nhở ngay”, một người quản lý chợ giải thích lý do tại sao tại đây quy định lại được tuân thủ “nghiêm chỉnh” đến vậy. Tuy nhiên, khi tôi hỏi lệnh cấm cụ thể ra sao, ông này đã trả lời tỉnh bơ: “Tôi cũng chưa được đọc cụ thể, nhưng chỉ thị là chỉ thị chứ! Phải nghiêm túc thực hiện thôi”.
Nhưng thích thì vẫn chiều
Trong vai một người đi đặt bàn trước cho một nhóm khách từ phương Nam ra Hà Nội muốn thưởng thức hương vị đặc trưng của “ẩm thực Hà thành”, tôi hỏi có mắm tôm không. “Vâng, nếu khách yêu cầu. Còn không, bọn em thay bằng nước mắm”, nhân viên phục vụ của một nhà hàng nổi tiếng trên phố Đường Thành giải thích. “Nhà hàng chúng em mới phục vụ lại mấy hôm thôi, chủ yếu do khách yêu cầu quá, vả lại dịch cũng bớt rồi”.
Tại một hàng chả cá khác trên phố Hoà Mã, nhân viên ở đây tỏ ra khá dè dặt khi được hỏi về mắm tôm. Đầu tiên là một cái lắc đầu dứt khoát, nhưng rồi người quản lý đành gật đầu với điều kiện “phải có trên năm người”. Ở các quán thịt chó, hầu hết các chủ quán thoạt tiên đều xoa tay xin lỗi rằng họ “phải chấp hành chỉ đạo của các cơ quan chức năng khi thành phố vẫn đang còn dịch bệnh”. Nhưng khi đã nhận ra thực khách không phải là “thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm”, họ “OK” ngay.
Có một điều lạ là trong số loại thực phẩm mà Bộ Y tế “nêu danh” có nguy cơ gây bệnh cao dựa trên tiền sử ăn uống của các ca bệnh bao gồm cả thịt chó, rau sống, thức ăn nguội như giò, chả…, vậy mà chỉ có mắm tôm bị coi là nghi phạm, còn các thứ khác vẫn được bày bán bình thường.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã xin lỗi các nhà sản xuất và người dân về vấn đề mắm tôm, nhưng dường như thứ đồ chấm truyền thống của vùng Bắc bộ này vẫn chưa được giải nỗi oan.
Bán mắm tôm như bán… hàng cấm
Ở Hà Nội, người ta bảo nhau rằng nguồn mắm tôm, mắm tép, cung cấp cho các nhà hàng và người tiêu dùng lẻ là chợ Hàng Bè. Nhưng tới nơi, mới biết rằng mắm tôm ở đây giờ được bán theo hình thức “trông mặt bắt khách”.
Dạo qua một vòng chợ, đố ai nhìn thấy bất cứ chai mắm tôm, lọ mắm tôm nào. “Mắm tôm giờ ai dám bán. Ừ, đúng là không có lệnh cấm, nhưng anh cứ thử bày ra xem, quản lý chợ họ lại không ‘hỏi thăm’ ngay ấy à?”, cô chủ xinh xắn của một sạp hàng tên Hương cao giọng nói.
Chợ Hàng Bè có một số gia đình kinh doanh mắm tôm nổi tiếng xưa nay. Họ đặt riêng mắm tôm từ các nhà sản xuất của Thanh Hoá và cung cấp cho các địa chỉ quen như cửa hàng thịt chó, bún thang… Thời chưa có dịch, nhà bà Boong có lúc bán buôn hàng tấn mắm tôm, nhưng đến giờ phải chuyển, sống nhờ vào mấy vại dưa cà. Còn nhà bà Công, đúng như cảnh báo của cô Hương, dứt khoát phải là khách quen mới được bà dẫn vào nhà ở trong ngõ sâu. Ngay cả gánh hàng “bún đậu, mắm tôm và chân giò giả cầy” của cô con dâu bà cũng rút vào “hoạt động bí mật” trong ngõ.
“Thành phố đã có lệnh cấm nên chúng tôi kiểm tra chặt chẽ lắm. Hộ nào có bày bán mắm tôm là chúng tôi nhắc nhở ngay”, một người quản lý chợ giải thích lý do tại sao tại đây quy định lại được tuân thủ “nghiêm chỉnh” đến vậy. Tuy nhiên, khi tôi hỏi lệnh cấm cụ thể ra sao, ông này đã trả lời tỉnh bơ: “Tôi cũng chưa được đọc cụ thể, nhưng chỉ thị là chỉ thị chứ! Phải nghiêm túc thực hiện thôi”.
Nhưng thích thì vẫn chiều
Trong vai một người đi đặt bàn trước cho một nhóm khách từ phương Nam ra Hà Nội muốn thưởng thức hương vị đặc trưng của “ẩm thực Hà thành”, tôi hỏi có mắm tôm không. “Vâng, nếu khách yêu cầu. Còn không, bọn em thay bằng nước mắm”, nhân viên phục vụ của một nhà hàng nổi tiếng trên phố Đường Thành giải thích. “Nhà hàng chúng em mới phục vụ lại mấy hôm thôi, chủ yếu do khách yêu cầu quá, vả lại dịch cũng bớt rồi”.
Tại một hàng chả cá khác trên phố Hoà Mã, nhân viên ở đây tỏ ra khá dè dặt khi được hỏi về mắm tôm. Đầu tiên là một cái lắc đầu dứt khoát, nhưng rồi người quản lý đành gật đầu với điều kiện “phải có trên năm người”. Ở các quán thịt chó, hầu hết các chủ quán thoạt tiên đều xoa tay xin lỗi rằng họ “phải chấp hành chỉ đạo của các cơ quan chức năng khi thành phố vẫn đang còn dịch bệnh”. Nhưng khi đã nhận ra thực khách không phải là “thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm”, họ “OK” ngay.
Có một điều lạ là trong số loại thực phẩm mà Bộ Y tế “nêu danh” có nguy cơ gây bệnh cao dựa trên tiền sử ăn uống của các ca bệnh bao gồm cả thịt chó, rau sống, thức ăn nguội như giò, chả…, vậy mà chỉ có mắm tôm bị coi là nghi phạm, còn các thứ khác vẫn được bày bán bình thường.