09:39 25/05/2009

May mà gặp được… Thống đốc!

Mạnh Chung

Khoảng 300 triệu đồng có thể mất, 70 công nhân thất nghiệp, hợp đồng trước mặt nhưng không dám ký

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, với những khó khăn liên quan đến hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp có thể trực tiếp phản ánh tới Thống đốc và sẽ được xem xét xử lý ngay trong ngày - Ảnh: Việt Tuấn.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, với những khó khăn liên quan đến hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp có thể trực tiếp phản ánh tới Thống đốc và sẽ được xem xét xử lý ngay trong ngày - Ảnh: Việt Tuấn.
Khoảng 300 triệu đồng có thể mất, 70 công nhân thất nghiệp, hợp đồng trước mặt nhưng không dám ký…

Tình thế khó khăn này của một doanh nghiệp nhanh chóng được thay đổi khi giám đốc doanh nghiệp may mắn gặp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 16/5, tại cuộc đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty Thương mại và Chế biến thực phẩm Thông Tấn, “may mắn” khi được là 1 trong 3 đại diện doanh nghiệp trực tiếp phản ánh và trao đổi cụ thể với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Vị giám đốc đã 66 tuổi này 5 lần đứng lên, ngồi xuống, giơ tay để được lên tiếng, nói về khó khăn của doanh nghiệp mình.

Ông Tấn cho biết, mấy tuần nay ông ăn ngủ không yên khi mối lo cứ treo nặng trên đầu, chưa có cách đỡ. 300 triệu đồng có thể mất, một khoản lớn đối với một doanh nghiệp có tổng doanh thu chỉ khoảng vài triệu USD mỗi năm; 70 lao động không có việc làm trong khi hợp đồng đặt hàng đã trước mặt nhưng không dám ký…

“Nhìn vào đơn hàng, 70 lao động thất nghiệp tôi vừa tiếc, vừa xót xa, cả bức xúc nữa”, ông Tấn nói. Bức xúc của ông cũng dễ hiểu khi rủi ro đó không phải do doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, mà do khó khăn trong chuyển đổi ngoại tệ.

Đầu tháng 6 tới, Công ty Thông Tấn phải thanh toán khoảng 135.000 USD khoản vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh Từ Liêm để nhập vật tư trước đó. Khốn nỗi, hàng của công ty xuất sang châu Âu, đối tác thanh toán bằng đồng Euro. Khi ông đưa khoản ngoại tệ này đến ngân hàng bán, lấy VND mong trả trước khoản vay bằng USD nói trên để quay vòng cho đơn hàng mới thì ngân hàng từ chối. Để được trả trước, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải mua USD ở ngoài về thanh toán.

Ông Tấn bức xúc: “Mình phải bán Euro cho ngân hàng theo tỷ giá quy định nhưng lại phải mua USD ở ngoài với giá cao. Tôi mua ngoài với giá hơn 18.000 đồng/USD, cao hơn nhiều theo tỷ giá của Nhà nước. Như vậy doanh nghiệp phải chịu hai lần thiệt, bán Euro với giá rẻ nhưng mua USD với giá đắt. Mà đúng ra ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay USD thì họ phải được quy đổi tại ngân hàng”.

Mặt khác, thông tin từ phía ngân hàng, theo phản ánh của ông Tấn, cũng không chắc chắn là đến thời hạn trả nợ họ đảm bảo có USD cho quy đổi hay không; không loại trừ khả năng doanh nghiệp vẫn phải trả nợ theo cách “bán rẻ - mua đắt” nói trên, phải mua USD ở bên ngoài. “Bởi hiện ngân hàng cũng chưa biết sẽ có USD hay không”, ông Tấn dẫn lại lời nhân viên ngân hàng.

Và nếu phải trả nợ bằng cách bán lại Euro cho ngân hàng, mua USD ở thị trường tự do để trả nợ, ông Tấn dự tính sẽ mất đứt khoảng 300 triệu đồng từ khoản vay đó. Với doanh nghiệp của ông, đó là một khoản lớn.

Trước tính toán trên, cuối tháng 4 vừa qua, khi đối tác nhập khẩu tại Séc tiếp tục đặt đơn hàng lớn, Công ty Thông Tấn không dám ký vì lo vướng tiếp khó khăn tương tự. Mà nếu ký, ông Tấn dự tính khả năng sẽ lỗ, vậy nên “nhìn đơn hàng đã trước mặt nhưng 70 công nhân vẫn không có việc làm”.

Có mặt tại buổi đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp vừa qua, bức xúc của ông Tấn cũng là một trường hợp nằm trong bối cảnh căng thẳng ngoại tệ trên thị trường. Và có thể xem là một may mắn khi trường hợp này được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trực tiếp có ý kiến chỉ đạo. Ngay sau buổi đối thoại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh Từ Liêm điện báo: đến thời hạn Công ty Thông Tấn trả nợ, ngân hàng sẽ đảm bảo có đủ USD cho quy đổi.

“Nhận được tin, chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi đã yên tâm không phải lo đi mua USD ngoài với giá cao để trả cho ngân hàng. Hiện công ty đang liên hệ để tiếp tục ký lại đơn hàng với đối tác”, ông Tấn phấn khởi.

Liệu trên thực tế Công ty Thông Tấn và khó khăn nói trên có phải là duy nhất, sự phấn khởi đó có là duy nhất, có nhiều cơ hội để phản ánh trực tiếp đến Thống đốc như tại cuộc đối thoại đó? Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, với những khó khăn liên quan đến hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp có thể trực tiếp phản ánh tới Thống đốc và sẽ được xem xét xử lý ngay trong ngày.

Và qua trường hợp trên, chỉ đạo đối với một trường hợp cụ thể của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ có giá trị tác động mang tính hệ thống.

Theo lời lãnh đạo một vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước, khó khăn trong việc tìm mua USD của doanh nghiệp thời gian qua một phần do chính tình trạng doanh nghiệp găm giữ, không bán lại cho ngân hàng. Hiện cơ quan này đang triển khai các biện pháp cần thiết để tháo gỡ.

Và những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bán lại USD, nhu cầu vay USD cũng dần tăng lên thay vì chỉ tìm mua như trước đó.