08:23 19/06/2021

Một quan chức Fed dự báo “đáng sợ” về lãi suất, chứng khoán thế giới rực lửa

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cùng bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/6), khi nhà đầu tư hoảng sợ vì một bình luận cứng rắn về vấn đề lãi suất đến từ ông James Bullard – Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cùng bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/6), khi nhà đầu tư hoảng sợ vì một bình luận cứng rắn về vấn đề lãi suất đến từ ông James Bullard – Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Dow Jones và S&P 500 – hai chỉ số đã đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai ở mức điểm cao chưa từng thấy trong lịch sử - đồng loạt lao dốc mạnh sau khi ông Bullard nói rằng ông là một trong số 7 quan chức thuộc Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) dự báo Fed sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2022 để kiềm chế đà tăng của lạm phát. FOMC là cơ quan hoạch định chính sách trong Fed, bao gồm 18 thành viên.

Lạm phát và việc Fed sẽ làm gì để chống lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi khỏi đại dịch Covid-19 là vấn đề quan tâm lớn nhất đối với nhà đầu tư ở Phố Wall cũng như trên toàn cầu trong những tuần gần đây.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ ngày 15-16/6, Fed đã dự báo sẽ nâng lãi suất trong năm 2023, sớm hơn 1 năm so với lần dự báo trước đó. Ngoài ra, Fed cũng phát tín hiệu sẽ bắt đầu cuộc thảo luận về cắt giảm chương trình mua tài sản – thay vì chỉ nghĩ đến việc này như trong lần họp trước. Lập trường bất ngờ trở nên cứng rắn của Fed đã khiến chứng khoán Mỹ chao đảo.

“Tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến sự bán tháo diễn ra. Tôi chưa bao giờ ngạc nhiên, xét tới việc thị trường đã tăng mạnh đến như thế trong một thời gian dài như thế. Sẽ có những lúc nhà đầu tư hiện thực hoá lợi nhuận”, chiến lược gia Tim Ghriskey của Inverness Counsel nhận định.

Những phát biểu của ông Bullard đã khiến chỉ số VIX – thước đo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall – nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ hôm 21/5.

“Tuần tới, sẽ có nhiều quan chức Fed phát biểu. Chúng ta sẽ chứng kiến một số vị có quan điểm cứng rắn hơn, và một số vị mềm mỏng hơn. Bởi vậy, thị trường sẽ có sự giằng co”, ông Ghriskey nói.

Lúc đóng cửa, Dow Jones sụt 1,58%, còn 33.290,08 điểm; S&P 500 mất 1,33%, còn 4.165,79 điểm; Nasdaq trượt 0,92%, còn 14.030,38 điểm.

Phát biểu của ông Bullard cũng đưa đồng USD tăng giá mạnh hơn. Chỉ số Dollar Index tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 và hoàn tất tuần tăng mạnh nhất 14 tháng, với mức tăng cả tuần đạt 1,95%.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng có một phiên bán tháo.

Chỉ số DAX của chứng khoán Đức sụt 1,78%; FTSE của Anh trượt 1,9%; CAC của Pháp mất 1,46%; Stoxx 600 của thị trường châu Âu sụt 1,58%.

Chỉ số MSCI All-Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 1,24%.

Phiên này là phiên giảm thứ tư của chứng khoán Mỹ, khiến S&P 500 hoàn tất tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 2. Dow Jones cũng có tuần giảm tệ hại nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tính cả tuần, Dow Jones sụt 3,5%; S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 1,9% và 0,2%.