11:35 21/04/2007

“Muốn thay đổi cục diện thì phải có tri thức”

GS. TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học An Giang nói về nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam sau khi vào WTO

"Trong số nông dân vẫn có những người có cuộc sống rất khá mà điểm lại đó toàn là những nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật rất chặt chẽ, còn những nông dân tiếp tục nghèo vì chỉ mới áp dụng một phần ba" - Ảnh: TT.
"Trong số nông dân vẫn có những người có cuộc sống rất khá mà điểm lại đó toàn là những nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật rất chặt chẽ, còn những nông dân tiếp tục nghèo vì chỉ mới áp dụng một phần ba" - Ảnh: TT.
GS. TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học An Giang nói về nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam sau khi vào WTO.

Thưa GS, dường như áp lực hội nhập WTO chưa có tác động gì đến nông dân?

Nông dân chưa thấy căng thẳng gì, vì chưa thấy những tác động lớn lắm. Tới đây khi hàng hóa các nước vào với chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn thì chừng đó nông dân mới thấy rằng mình nên thay đổi cách làm.

Vậy đâu là những nhược điểm của nền nông nghiệp Việt Nam?

Không biết mở thị trường. Phải làm đủ mọi cách, đưa sản phẩm ra nước ngoài khuyến mãi, gửi những sản phẩm độc đáo cho những đoàn khách đến thăm hoặc mang đến những hội chợ quốc tế... để quảng bá. Và không phải kêu gọi một lần là người ta mê sản phẩm của mình liền.

Nhưng nông sản của chúng ta số lượng còn ít, chất lượng chưa ổn định?

Chúng ta phải khoanh vùng để đầu tư một cách thích đáng hơn, từ đó mới tạo ra sản phẩm với khối lượng lớn, chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Xác định được sản phẩm rồi, các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm cần phải hợp tác với nhau để xây dựng một quy trình kỹ thuật nông nghiệp bền vững (GAP) để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao mà an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm.

Từng sống và làm việc với với nông dân ở nhiều nước, đặc biệt là những nước tiên tiến, GS có nhận xét gì?

Làm nông nghiệp rất khó, trong khi ở Việt Nam phần lớn những người không học đâu cả thì đi làm ruộng. Dĩ nhiên tôi rất kính trọng những kinh nghiệm lâu năm của bà con nông dân chúng ta, những kinh nghiệm đó trong các giai đoạn lịch sử vừa qua đã giúp ông bà chúng ta vượt qua khó khăn về khí hậu, đất đai... để sản xuất, để sinh tồn.

Nhưng trong thời buổi này, muốn thay đổi cục diện thì người nông dân Việt Nam phải có tri thức, có kỹ thuật cao và được đào tạo đàng hoàng. Nông dân không thể lấy giống lúa mới và làm theo kiểu cũ mà giống lúa mới phải sản xuất bằng quy trình mới, từ gieo cấy mạ, cho đến bón phân.

Có phải vì cho rằng nghề nông là dễ nên nông dân vẫn nghèo và cuộc sống còn quá khó khăn?

Đúng như thế. Trong số nông dân vẫn có những người có cuộc sống rất khá mà điểm lại đó toàn là những nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật rất chặt chẽ, còn những nông dân tiếp tục nghèo vì chỉ mới áp dụng một phần ba.

Có nhiều ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân là con cái nông dân không có trường tốt, không có thầy giỏi?

Không thể nói như thế, vì chính tôi thấy nhiều sinh viên ra trường về nhà muốn hướng dẫn làm theo kiểu mới thì gặp “ông già”, ổng cự lại: Tao đẻ ra kỹ sư, bây giờ kỹ sư dạy lại tao hả mậy! Tao khôn hơn mày chứ! Nhiều nông dân bây giờ vẫn còn suy nghĩ đó.

Nên rất khó thay đổi?

Rất khó! Hai miếng đất kế bên nhau, một bên làm đúng kiểu, bên làm không đúng kiểu dẫn đến thất bại mà ổng cứ cho rằng thằng kia nó may mắn, nó tốt, còn tui xui xẻo, chớ không bao giờ chịu nhận mình không áp dụng hết kỹ thuật mà các nhà khoa học đã trao cho mình.

Vào WTO, nông dân mình cần phải được đào tạo, để thay đổi trong suy nghĩ, để nâng cao trình độ. Nhưng họ không có thì giờ để học mọi thứ, Nhà nước cũng không đủ tiền tổ chức những lớp học cho nông dân mà phải chuyển giao cho nông dân những quy trình nông nghiệp tiên tiến như GAP.

Được biết GS có dự án xây dựng website elangviet để phục vụ nông dân. Xin GS cho biết đôi điều về dự án này?

Khi nông dân có bất cứ khó khăn nào trong sản xuất thì vào trang web này có thể hỏi và tự tìm được câu trả lời, như một kỹ thuật viên trò chuyện với nông dân thông qua giao diện của máy tính nên sẽ “thân thiện” hơn với nông dân.

Chúng tôi muốn trao kiến thức cho nông dân thông qua website này thay vì trao cho họ thông tin, đây là điểm khác của elangviet với nhiều website khác. Và không chỉ có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi mà còn có cả kiến thức về kinh doanh, giá cả nông sản... góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn - thành thị. Giai đoạn đầu của trang web này dự kiến sẽ được khai trương vào 6/2007.

Ngoài kỹ thuật sản xuất, nhân lực, theo GS đâu là lĩnh vực cần được ưu tiên cho nông thôn?

Tôi nhớ câu chuyện về một nhà kinh tế được giải Nobel. Khi phóng viên hỏi để cho các nước nghèo sớm được giàu lên thì cần phải ưu tiên phát triển cái gì, nhà kinh tế này trả lời: “Thứ nhất: đường sá giao thông. Thứ hai: đường sá giao thông. Thứ ba cũng là đường sá giao thông”.

Tôi nói thế để thấy rằng vùng sâu, vùng xa không có giao thông mãi mãi cũng sẽ là vùng sâu, vùng xa. Hàng hóa trong ra ngoài sẽ rất khó, thầy giáo giỏi, bác sĩ giỏi cũng không dám vô. Do đó các ngân hàng lớn như WB, ADB đều ưu tiên cho các nước vay để xây dựng đường, vì khi xây dựng đường sá, kinh tế phát đạt thì mới có tiền trả nợ.

Nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL đã làm được việc này nhưng vấn đề là đường, cầu cần được mở rộng để các nhà đầu tư tới và sản phẩm của nông dân tiêu thụ được dễ dàng.