11:00 13/11/2023

Mỹ phẩm Việt “nuôi dưỡng” giấc mơ xuất khẩu

Minh Nguyệt

Báo cáo từ Nielsen cho hay, mức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đối với mỹ phẩm không nhiều, nhưng đang tăng dần theo thời gian. Hiện chi phí trung bình mà một phụ nữ dành để mua sắm mỹ phẩm đang ở mức 500.000 - 700.000 đồng/tháng...

Thương hiệu Cỏ Mềm giới thiệu sản phẩm tại Ấn Độ.
Thương hiệu Cỏ Mềm giới thiệu sản phẩm tại Ấn Độ.

Làm đẹp được đánh giá là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong môi trường kinh tế vĩ mô hỗn loạn. Sau sự phục hồi kể từ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, thị trường làm đẹp thế giới dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 580 tỷ USD vào năm 2027, tăng trưởng dự kiến 6% mỗi năm. Con số này ngang bằng hoặc cao hơn một chút so với các phân khúc tiêu dùng khác như quần áo, giày dép, kính mắt, chăm sóc thú cưng, thực phẩm và đồ uống.

TIỀM NĂNG NGAY TRONG TẦM TAY

Tại Việt Nam, khảo sát của EuroMonitor International cho thấy quy mô thị trường mỹ phẩm đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên gần 2,7 tỷ USD năm 2021. Dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD.

Hiện có hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như: mở văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất. Mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đa số từ các nước khu vực châu Á và có xu hướng ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đứng đầu ASEAN về nhập siêu mỹ phẩm, Việt Nam còn đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về giá trị xuất khẩu mỹ phẩm. Các dạng sản phẩm mỹ phẩm xuất khẩu khá đa dạng: nhóm sản phẩm chăm sóc da, sản phẩm cho tóc, sản phẩm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân,... trong đó, có những sản phẩm phân khúc thị trường cao cấp như nước hoa (2%), trang điểm (3%).

Tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới vừa tổ chức tại TP.HCM vào giữa tháng 10 vừa qua, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, hé lộ top 5 ngành hàng Việt bán chạy bậc nhất trên sàn, gồm: nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp.

Đây là năm đầu tiên mảng làm đẹp lọt top 5 ngành hàng được khách săn đón. Điểm thú vị là những nhà bán hàng Việt đã rất thành công trong việc kinh doanh lông mi giả, móng tay giả, kem phục hồi da liền sẹo, bột trắng răng ngọc trai, serum dưỡng mi, serum kích mọc tóc... Các sản phẩm này hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam.

Một góc nhà máy sản xuất của thương hiệu Cocoon Việt Nam.
Một góc nhà máy sản xuất của thương hiệu Cocoon Việt Nam.

Tại hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm”, TS. Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, khẳng định Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số hơn 12.000 loài của hệ thực vật Việt Nam, có hơn 5.000 loài được dùng làm thuốc. “Việt Nam xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ... rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dược liệu thành một ngành kinh tế”.

Từ nguồn dược liệu đó, ngành công nghiệp mỹ phẩm trong nước cũng đã có sự phát triển rõ nét cả về chất và lượng với 33 cơ sở sản xuất mỹ phẩm đạt Tiêu chuẩn thực hành tốt mỹ phẩm theo hướng dẫn của ASEAN (CGMP-ASEAN). Hiện một số doanh nghiệp đã mở rộng thị trường xuất khẩu mỹ phẩm của mình đến nhiều khu vực trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu mỹ phẩm mới chỉ đạt khoảng 302 triệu USD, còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của ngành.

Để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm qua mỗi khâu sản xuất là điều không thể thiếu. Các doanh nghiệp Việt hiện đã nhanh chóng cập nhật và áp dụng những quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế, kết hợp với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hướng đi mà mỹ phẩm Việt cần theo đuổi chính là sự kết hợp giữa nguyên liệu thảo dược truyền thống và công nghệ hiện đại. Điều này không chỉ giúp thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc mà còn giúp mỹ phẩm Việt cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2023 phát hành ngày 13-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Mỹ phẩm Việt “nuôi dưỡng” giấc mơ xuất khẩu - Ảnh 1