11:54 17/09/2024

Mỹ và đồng minh loay hoay phá thế đi đầu của Trung Quốc về đất hiếm

An Huy

Dù Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, đây không phải là một việc dễ dàng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Cách thành phố Houston thuộc bang Texas đôi giờ lái xe, tại một khu đất xa xôi kế bên một nhà máy của hãng hóa chất Dow Chemical, nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy giảm vị thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm - những khoáng chất giữ vai trò chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ cao - đang chờ ngày được triển khai.

Nhưng theo hãng tin Bloomberg, ngay cả khi dự án đất hiếm nói trên của Mỹ được khởi động, vị trí số 1 của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu - với khoảng 70% sản lượng và 90% hoạt động tinh luyện - đồng nghĩa rằng mục tiêu đó của Washington vẫn nằm ngoài tầm tay.

Nhà máy đất hiếm ở Texas, dự kiến sẽ được xây dựng bởi công ty Lynas Rare Earths có trụ sở Australia, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số tiền nhiều tỷ USD trợ cấp và vốn vay mà Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đã cam kết dành cho hoạt động sản xuất và tinh luyện đất hiếm tại các quốc gia này. Lynas đã ký được hợp đồng hơn 300 triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ để xây dựng nhà máy chế biến đất hiếm trên diện tích 60 hec-ta. Nếu kế hoạch diễn ra đúng dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động sau 2 năm nữa.

TÍNH KINH TẾ KÉM HẤP DẪN CỦA CÁC DỰ ÁN ĐẤT HIẾM

An ninh quốc gia là động lực chính cho các chương trình đất hiếm ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, song việc giá đất hiếm sụt giảm từ năm 2022 đến nay đang làm suy yếu tính hấp dẫn về mặt kinh tế của các dự án như vậy. Điều này đặt ra câu hỏi liệu dự án nhà máy đất hiếm nói trên và các dự án tương tự có thể phát triển thành một chuỗi cung ứng để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc được Chính phủ bảo trợ.

“Điều kiện thị trường hiện nay đã phá hỏng phần lớn các dự án được đặt hy vọng ở thời điểm chỉ khoảng 2 năm trước”, CEO James Litinsky của công ty MP Materials Corp nói với Bloomberg. Công ty này sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất ở Mỹ và đang xây dựng một nhà máy để sản xuất nam châm ở Texas.

“Mặc những nỗ lực và các khoản đầu tư đến từ nhiều chính phủ, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với phần lớn chuỗi cung ứng đất hiếm vẫn duy trì”, ông Litinsky phát biểu trong một cuộc điện đàm với các nhà phân tích khi công ty của ông công bố báo cáo tài chính vào tháng 8.

Những kim loại đất hiếm mà Mỹ và đồng minh đang nhắm tới thực ra không phải là “hiếm”, nhưng hiếm khi tập trung với mật độ đủ lớn để có thể biện minh cho hoạt động khai quặng vốn dĩ có tác động bất lợi lớn đến môi trường. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố hóa học có tính chất phù hợp để tăng cường hiệu quả của linh kiện điện tử trong các sản phẩm từ điện thoại cho tới máy bay chiến đấu.

Năm nay, bà Laura Taylor-Kale, trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, đã đưa ra cam kết rằng đến năm 2027, Mỹ sẽ có một “chuỗi cung ứng bền vững từ mỏ tới nam châm, có khả năng hậu thuẫn tất cả các nhu cầu quốc phòng của Mỹ”. Bà nói một khi dự án Lynas ở Texas đi vào vận hành, công ty này “sẽ sản xuất khoảng 25% nguồn cung oxide đất hiếm toàn cầu”.

Trong những năm gần đây, giá đất hiếm trên toàn cầu sụt giảm chủ yếu do nguồn cung tăng lên từ Trung Quốc và một số quốc gia khác, cũng như do sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc - nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất công nghiệp ở nước này không thể hấp thụ hết nguồn cung đất hiếm gia tăng.

“Hầu hết các nhà khai mỏ đất hiếm đang xoay sở để hòa vốn trong bối cảnh giá đất hiếm giảm xuống thấp. Các dự án mới ở giai đoạn đầu bị trì hoãn và thiếu vốn”, một báo cáo hôm 3/9 của Benchmark Resrouce cho biết. Đây là những nhân tố “có thể làm chậm lại nỗ lực của phương Tây trong việc giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc, báo cáo nhận định.

Hiện tại, một số dự án đất hiếm đã thông báo về việc gặp trở ngại.

Arafura Rare Earths Ltd. là một trong số những công ty đang có vẻ đang gặp khó với kế hoạch đất hiếm. Công ty này đã được Chính phủ Australia cho vay 560 triệu USD trong năm nay và đã huy động thêm vốn trong tháng 7. Công ty cho biết dự án chế biến đất hiếm Nolans tại Alice Springs, Australia đã sẵn sàng khởi công, đồng thời công ty đã ký thỏa thuận tiêu thụ đầu ra với hai công ty ô tô Hàn Quốc vào năm 2022. Dù vậy, dự án này hiện vẫn chưa bắt đầu.

“Chúng tôi vay nợ, chúng tôi được phê chuẩn. Thỏa thuận bao tiêu đầu ra cũng đã được ký. Phần còn thiếu là vốn chủ sở hữu. Chúng tôi đang cố gắng để hoàn thiện việc này trước cuối năm nay để bắt đầu xây dựng nhà máy vào đầu năm tới”, CEO Darryl Cuzzubbo phát biểu.

Vị CEO cho biết mục tiêu của ông là thu hút một nửa vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư chủ chốt, và phần còn lại sẽ huy động từ thị trường.

Iluka Resources Ltd. là một công ty khác đang đứng trước nhiều trở ngại khi đầu tư vào sản xuất đất hiếm ở Australia. Công ty này nhận được 1,25 triệu đôla Australia vốn vay vào năm 2022 để phát triển nhà máy tinh luyện đất hiếm tích hợp đầu tiên ở nước này và đặt mục tiêu đưa nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2026. Nhưng năm nay, Iluka cho biết nhà máy có thể tiêu tốn tới 1,8 triệu đôla Australia, lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN

CEO Tom O’Leary của Iluka đã cáo buộc Trung Quốc tìm cách thao túng giá đất hiếm và muốn giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp này ở Australia. “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường đất hiếm toàn cầu hiện hữu ở khắp nơi. Chính sự sản xuất độc quyền này, cùng với tình trạng can thiệp vào giá cả, đã dẫn tới sự suy yếu của thị trường”, ông O’Leary nói hồi tháng 5.

Theo Bloomberg, chính trải nghiệm tương tự đã khiến Nhật Bản cách đây 1 thập kỷ đi đến quyết định giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Kết quả cho thấy những dự án đất hiếm của Nhật tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn so với những gì dự kiến lúc đầu.

Nhật đầu tư vào Lynas vào năm 2011 với số vốn 250 triệu USD sau khi Trung Quốc tạm thời cắt cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Phải mất 2 năm trước khi hoạt động sản xuất thử nghiệm bắt đầu, và thậm chí nhiều thời gian hơn để sản xuất tăng tốc lên mức dự báo - công ty cho hay. Đến năm 2018, công ty mới bắt đầu có lãi.

Nhờ có sự hậu thuẫn của các công ty và Chính phủ Nhật Bản thì Lynas mới có thể tồn tại cho tới hiện nay, CEO Amanda Lacaze cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Nhật Bản không chỉ rót tiền đầu tư và phát triển tài sản cho Lynas mà còn hỗ trợ công ty này qua các giai đoạn giá đất hiếm giảm sâu - bà Lacaze cho hay.

Cuối cùng, Nhật Bản cũng đã giảm được sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc xuống còn khoảng 60% từ mức 80-90% ban đầu - cựu Bộ trưởng Bộ An ninh kinh tế Nhật Bản Takayuki Kobayashi cho biết.

Tuy nhiên, bà Lacaze nói rằng điều còn quan trọng hơn là sự kiên nhẫn. Điều này được nhấn mạnh thông qua một tuyên bố của Lynas vào tháng trước: Do có vấn đề về giấy phép nước thải, việc khởi công nhà máy ở Texas khó có thể được tiến hành trong năm nay.

“Sự kiên nhẫn trong khai khoáng, cũng như trong lĩnh vực mà bạn mới tham gia lần đầu là rất quan trọng. Nếu thực sự muốn có một ngành công nghiệp đất hiếm, chúng ta phải nhận thức được rằng mình đang chơi một trò đuổi bắt kéo dài 30 năm”, bà Lacaze nói hồi tháng 8.