09:43 19/12/2015

Myanmar được chọn là “đất nước của năm” 2015

Bình Minh

The Economist muốn công nhận một quốc gia giúp đưa thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn

Đảng của chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar tháng 8/2015.<br>
Đảng của chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar tháng 8/2015.<br>
Myanmar vừa được tạp chí The Economist chọn là “đất nước của năm” 2015.

Theo The Economist, nếu “đất nước của năm” nay là một quốc gia chiếm nhiều tít báo nhất, thì khó nước nào có thể “đọ” được với Nga. Nhưng tờ tạp chí này nói rằng không có ý định vinh danh việc phiêu lưu quân sự, sự chèn ép những nhân vật đối lập trong nước, và những hành động như tiêu hủy pho mát nhập khẩu.

Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng chiếm nhiều dòng tít hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới trong năm 2015, nhưng tổ chức này không phải là một quốc gia, mà là một nhóm khủng bố khét tiếng tàn bạo.

Theo The Economist, tờ tạp chí muốn công nhận một quốc gia giúp đưa thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Và giữa rất nhiều tin xấu, thật đáng mừng khi vẫn có nhiều quốc gia xứng đáng là “ứng cử viên” được vinh danh.

Cùng với một số quốc gia khác, Mỹ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Mỹ đã nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba và đạt một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con đã kéo dài gần 4 thập kỷ. Các cặp vợ chồng ở Trung Quốc sẽ được phép sinh hai con, và hàng triệu đứa trẻ sinh “ngoài phép” sẽ sớm được tiếp cận với dịch vụ công - những dịch vụ trước đây mà các em phải đứng ngoài vì là con thứ hai.

Nigeria lần đầu tiên loại bỏ trong hòa bình một vị tổng thống đương nhiệm bằng một cuộc bỏ phiếu. Cử tri nước này đã thay thế Tổng thống Goodluck Jonathan bằng Tổng thống Muhammadu Buhari - người đưa ra những quan điểm đúng đắn về chống tham nhũng, và dường như đã đẩy lui được nhóm khủng bố Boko Haram.

Ở khu vực Mỹ Latin, cơn “thủy triều hồng” của chủ nghĩa dân túy cánh tả bắt đầu đảo chiều.

Phe đối lập ở Venezuela giành 2/3 số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội. Với chiến thắng này, phe đối lập có thể kiềm chế Tổng thống Nicolas Maduro - nhà lãnh đạo với nhiều chính sách sai lầm khiến kinh tế nước này khốn đốn.

Tại Argentina, cử tri đã từ chối chọn ứng cử viên cùng đảng với Tổng thống sắp mãn nhiệm Cristina Fernández de Kirchner, và thay vào đó đã chọn Mauricio Macri, đánh dấu lần đầu tiên nước này có Tổng thống phe hữu sau hơn 10 năm. 

Nhiệm vụ của ông Macri sau khi trở thành Tổng thống của Argentina là “dọn dẹp” di sản của bà Cristina Fernández với lạm phát cao chóng mặt, các chính sách khiến nền kinh tế bị hủy hoại, những con số thống kê bị bóp méo, và các thể chế dân chủ lung lay.

Ở Guatemala, nhiều nhân vật thuộc giới tinh hoa chính trị, bao gồm cựu Tổng thống, bị bắt giữ vì nghi án tham nhũng. Ông Jimmy Morales, một cựu danh hài, đã đắc cử Tổng thống Guatemala với khẩu khiệu “không tham nhũng, cũng không trộm cắp”.

Trong khi đó, Columbia có thể sẽ sớm ký kết một thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến tranh du kích lâu năm nhất ở châu Mỹ.

Năm nay, châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy của tư tưởng bài ngoại, nhưng cử tri Pháp đã không để đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của chính trị gia Marine Le Pen thắng trong cuộc bầu cử vùng.

Đức cùng với Thụy Điển đón nhận một lượng lớn người di cư Syria. Kinh tế Ireland, quốc gia từng chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ 7%.

Khu vực Trung Đông đã có một năm khó khăn, nhưng sự hảo tâm cũng hiện rõ. Jordan và Lebanon đón nhiều người di cư chạy trốn khỏi bom đạn và bạo lực ở Syria và Iraq nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Ở Jordan, người di cư hiện đã bằng 1/10 dân số; ở Lebanon, tỷ lệ này là 1/4.

Tuy nhiên, ở cả hai nước này, người di cư đều chưa được chính thức cho phép làm việc. Ngoài ra, Jordan có thể hào phóng hơn một chút với cộng đồng người tị nạn Palestine lâu năm. Còn Lebanon thì được quản lý kém đến nỗi rác chất đống trên đường phố.

Bởi vậy, The Economist đã quyết định chọn Myanmar là “đất nước của năm” 2015.

Cách đây 5 năm, Myanmar còn nằm dưới sự cai trị của quân đội và những bức ảnh của thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi bị cấm xuất hiện trên báo.

Trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua, đảng của bà Suu Kyi giành 77% số phiếu. Quân đội Myanmar, dù vẫn nắm nhiều đặc quyền lớn, đã thể hiện sẵn sàng chia sẻ quyền lực. Sự dịch chuyển của Myanmar tới một nền dân chủ đã diễn ra nhanh hơn bất kỳ ai có thể hình dung.