07:39 12/10/2023

Năm 2023, Chính phủ dự kiến vay 600.000 tỷ đồng với lãi suất cao hơn năm 2022

Ánh Tuyết

Báo cáo của Chính phủ cho biết, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ các nguồn vay trong nước và vay ODA, vay ưu đãi năm 2023 khoảng 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch), lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ và vay ODA đều cao hơn năm ngoái...

Các khoản vay ODA mới đàm phán và ký kết từ năm 2022 có mức lãi suất cao hơn, phản ánh thay đổi chính sách cho vay của các nhà tài trợ với vị thế thu nhập trung bình thấp của Việt Nam.
Các khoản vay ODA mới đàm phán và ký kết từ năm 2022 có mức lãi suất cao hơn, phản ánh thay đổi chính sách cho vay của các nhà tài trợ với vị thế thu nhập trung bình thấp của Việt Nam.

Năm 2023, Quốc hội phê chuẩn tổng mức vay của ngân sách trung ương là 621.015 tỷ đồng; trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng (bằng 4,18% GDP), vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương là 190.515 tỷ đồng. Chính phủ cũng phê duyệt vay về cho vay lại vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài của Chính phủ là 23.394 tỷ đồng.

CHỦ YẾU HUY ĐỘNG TỪ TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ, LÃI SUẤT 3,7-4%/NĂM

Để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn nêu trên, trong báo cáo về tình hình nợ công năm 2023 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ Chính phủ triển khai công tác huy động vốn từ các nguồn vay trong nước và vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Trên cơ sở thực hiện 9 tháng đầu năm, Chính phủ dự kiến nhu cầu huy động cả năm 2023 ước đạt 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch), trong đó, vay về cho vay lại là 14.626 tỷ đồng (62,5% kế hoạch).

Theo đó, vay trong nước dự kiến sẽ huy động khoảng 547.085 tỷ đồng, chủ yếu phát hành trái phiếu chính phủ. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân đạt mức 12,6 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra từ 9-11 năm. Kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ là 9 năm, giảm 0,14 năm so với năm 2022. Lãi suất phát hành bình quân là 3,7-4%/năm, tăng 0,22-0,52 điểm phần trăm so với năm 2022 (3,48%/năm).

Cùng với đó, vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 57.294 tỷ đồng, chiếm khoảng 10%, trong đó vay cho hỗ trợ ngân sách chung phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ước 15.000 tỷ đồng, vay về cho vay lại ước 14.626 tỷ đồng, còn lại là phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao đưa vào cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển chương trình, dự án.

Các khoản vay nước ngoài đang giải ngân chủ yếu vẫn là các khoản vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ đã ký trước đây với kỳ hạn dài, lãi suất thấp, lãi suất bình quân gia quyền của danh mục vay nước ngoài chỉ là 1,6%/năm), từ các nhà tài trợ đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Nhật Bản.

 

Các khoản vay mới đàm phán và ký kết kể từ năm 2022 hiện đã có mức lãi suất cao hơn, gần với thị trường hơn, phản ánh thay đổi chính sách cho vay của các nhà tài trợ với vị thế thu nhập trung bình thấp của Việt Nam.

(Báo cáo của Chính phủ).

Để tiếp tục tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển năm 2023 và các năm tiếp theo, Chính phủ dự kiến năm 2023 sẽ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 17 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 1.870 triệu USD.

Trong đó có 1 khoản vay của Chính phủ Nhật Bản trị giá 50 tỷ Yên, 1 khoản vay nguồn vốn vay IDA từ các dự án không còn nhu cầu sử dụng của Ngân hàng Thế giới trị giá 263,9 triệu USD theo hình thức hỗ trợ ngân sách để bổ sung nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình phục hồi, dự kiến sẽ rút vốn toàn bộ trong năm nay.

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, báo cáo nêu rõ tổng trả nợ của Chính phủ năm 2023 ước đạt 311.537 tỷ đồng.

Trong đó, trả nợ trực tiếp ước đạt 279.742 tỷ đồng, bằng 95,3% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước đạt 31.795 tỷ đồng, bằng 93,8% kế hoạch.

Việc trả nợ của Chính phủ năm 2023 được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo Chính phủ, trong năm, tỷ giá các đồng tiền có biến động dẫn đến việc sử dụng dự toán bằng tiền đồng ít hơn khi mua ngoại tệ để trả nợ.

"Căn cứ tỷ giá bán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, đến thời điểm 26/9/2023, đồng USD tăng 3,41%, EUR tăng 2,72%, JPV giảm 7,99% so với 1/1/2023. Tính riêng tác động tỷ giá của 3 loại tiền trên, dư nợ nước ngoài Chính phủ cuối năm 2022 nếu quy theo tỷ giá đồng USD, EUR và JPY ngày 26/9/2023 so với tỷ giá đầu năm 2023 giảm khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng 0,07% GDP năm 2022", báo cáo phân tích.

DOANH NGHIỆP VAY NƯỚC NGOÀI 7,5 TỶ USD TRUNG DÀI HẠN  

Về thực hiện hạn mức bảo lãnh Chính phủ, báo cáo nêu rõ trong năm 2023 không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài, bảo lãnh phát hành cho các ngân hàng chính sách tối đa bằng trả nợ gốc đến hạn, ngoài hạn mức bảo lãnh phát hành đối với trái phiếu của Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện chương trình phục hồi, trong đó năm 2023 tăng tối đa 19.400 tỷ đồng.

Dự kiến vay, trả nợ Chính phủ bảo lãnh năm 2023 nằm trong hạn mức được phê duyệt. Theo đó, các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoảng 6.167 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 4.289 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 10.154 tỷ đồng, giảm 6.137 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Về bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, dự kiến cả năm 2023 phát hành 24.351 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 77.731 tỷ đồng, tăng 21.900 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Về bảo lãnh vay nước ngoài, năm 2023 Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương không cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Các dự án đều đã hoàn thành giai đoạn giải ngân, không còn rút vốn vay mới, trả nợ gốc 28.569 tỷ đồng, trả nợ lãi 6.397 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 114.603 tỷ đồng, giảm 28.679 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Về thực hiện kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương, báo cáo của Chính phủ nêu rõ tổng số vay trong năm khoảng 15.920 tỷ đồng (giảm 11.278 tỷ đồng so với mức vay Quốc hội duyệt là 27.198 tỷ đồng); tổng trả nợ gốc trong năm khoảng 2.648 tỷ đồng (giảm 156 tỷ đồng so với mức 2.804 tỷ đồng theo dự toán của Quốc hội).

Với số liệu vay, trả nợ ngân sách địa phương năm 2023 như trên, dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm 2023 khoảng 13.271 tỷ đồng, giảm 11.729 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định.

Về tình hình vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự kiến thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2023 bằng 100% hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, ước thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn 7.500 triệu USD, dư nợ vay ngắn hạn tăng khoảng 20% so với cuối năm 2022.

Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2023 dự kiến khoảng 37-38% GDP, đảm bảo mục tiêu trong phạm vi mức trần nợ nước ngoài của quốc gia 50% GDP được Quốc hội phê duyệt. Quy mô vay nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả chiếm khoảng 26-27% GDP.

Về trả nợ, chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2023, không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng, dự kiến ở mức 7-8%, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%.

 

Trên cơ sở ước thực hiện vay, trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia nêu trên, dự kiến các chỉ tiêu nợ đên cuôi năm 2023 năm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định.

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ.
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ.