14:32 25/11/2021

Vaccine dạng xịt mà Tổng thống Putin thử nghiệm có triển vọng như thế nào?

Hoài Phương

Ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thử nghiệm loại vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V dạng xịt mũi. Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Putin cho biết, ông không thấy tác dụng phụ sau khi thử vaccine…

Tháng trước, Bộ Y tế Nga đã đưa ra quy định về việc thử nghiệm ban đầu Sputnik V dạng xịt mũi trong số 500 tình nguyện viên. Và Tổng thống Putin xác nhận ông là một trong những người đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi của Nga.

"Họ yêu cầu tôi hít thở sâu và đếm đến ba," Tổng thống Vladimir Putin kể lại trải nghiệm vaccine dạng xịt mũi trong cuộc họp trực tuyến với quan chức chính phủ Nga và nói thêm rằng ông không cảm thấy gì trong quá trình này. "6 tháng sau khi tiêm chủng, lượng kháng thể của tôi đã giảm và các chuyên gia khuyến nghị dùng liều tăng cường," ông nói. Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin vẫn làm việc bình thường và cảm thấy khỏe sau khi sử dụng vaccine.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu phát triển các loại vaccine dạng xịt mũi giúp ngăn ngừa và điều trị Covid-19, bởi niêm mạc mũi là điểm xâm nhập chính của virus. Đây cũng là loại vaccine được cho là có một số lợi thế hơn hẳn so với loại tiêm truyền thống là tạo thêm khả năng bảo vệ cho phổi - cơ quan chịu tác động mạnh bởi virus SARS-CoV-2.

Vaccine dạng xịt mũi được phát triển bởi Viện Gamaleya ở Moskva và dựa trên vaccine Sputnik V. Viện Gamaleya tháng trước đã nhận được giấy phép của Bộ Y tế Nga để triển khai giai đoạn 2 của các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt này. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya khẳng định, vaccine dạng xịt mũi này sẽ là giải pháp bổ sung cho các loại vaccine tiêm phòng thông thường nhằm tạo ra thêm “tấm lá chắn” bảo vệ phòng chống lây nhiễm Covid-19.

Tổng thống Vladimir Putin đã kể lại trải nghiệm vaccine dạng xịt mũi trong cuộc họp trực tuyến với quan chức chính phủ Nga.
Tổng thống Vladimir Putin đã kể lại trải nghiệm vaccine dạng xịt mũi trong cuộc họp trực tuyến với quan chức chính phủ Nga.

Denis Logunov, người đứng đầu bộ phận vi sinh của viện, tiết lộ nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm. "Sau khi tiêm chủng, bạn có được miễn dịch cho toàn bộ cơ thể. Nhưng sau khi sử dụng thêm dạng xịt mũi, bạn tạo ra một hàng rào miễn dịch bổ sung ở đường hô hấp trên," ông Logunov cho biết.

Viện Gamaleya hôm nay (25/11) cho biết, đến thời điểm này không ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào đối với các đối tượng tham gia thử nghiệm dùng vaccine Covid-19 dạng xịt mũi. Hơn thế nữa, người dân có thể tự sử dụng loại vaccine này tại nhà.

Vaccine dạng xịt mũi của Nga cũng sẽ được áp dụng theo liệu trình hai liều, giống như vaccine tiêm hai liều thông thường. Thay vì kim tiêm, một vòi phun đưa dung dịch lỏng vào mũi. Một số hãng tin cho biết vaccine dạng xịt này cũng là một phiên bản được điều chỉnh liều lượng của vaccine Sputnik V. Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm vaccine phòng Covdi-19 đối với trẻ em từ 8 - 12 tuổi hồi tháng 9 và không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào trong nhóm được thử nghiệm, cũng không làm tăng nhiệt độ cơ thể.

Viện Gamaleya đã nhận được giấy phép của Bộ Y tế Nga để triển khai giai đoạn 2 của các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt này.
Viện Gamaleya đã nhận được giấy phép của Bộ Y tế Nga để triển khai giai đoạn 2 của các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt này.

Theo các nhà khoa học thế giới, kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, các loại vaccine xịt mũi nói chung đã tạo được phản ứng miễn dịch mạnh tại vị trí xịt thuốc, kích thích sản sinh kháng thể và tế bào lympho trực tiếp trong mũi. Kháng thể có khả năng tiêu diệt virus ngay khi chúng xâm nhập qua đường mũi bằng cách ngăn chặn virus nhân lên, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và chữa bệnh. Vaccine dạng xịt còn có thể sản sinh kháng thể và tế bào lympho trong khoang mũi và đường hô hấp. Hiện tượng này không xảy ra đối với vaccine tiêm bắp.

Tuy nhiên, nhược điểm của vaccine dạng xịt là tạo phản ứng miễn dịch toàn thân kém hơn và phản ứng miễn dịch không kéo dài như vaccine tiêm bắp. Do đó, các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến giải pháp kết hợp hai loại vaccine này. Mục đích là sử dụng vaccine tiêm bắp để sản sinh kháng thể lâu dài và tạo số lượng lớn tế bào lympho B và T, đồng thời kết hợp với vaccine dạng xịt như "chất tăng cường" để tạo tế bào lympho B và T trong mũi.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), đơn vị đầu tư vào vaccine chủ lực của Nga và quảng bá ra nước ngoài, cho hay Nga sẽ xuất khẩu vaccine dạng xịt mũi ra nước ngoài vào năm tới.