09:43 24/03/2010

“Nếu túi thủng thì đâu thể chi nhiều”

Anh Quân

Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng Việt Nam đang ở tình thế khó xử khi lựa chọn chính sách vĩ mô

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - Ảnh: Anh Quân.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - Ảnh: Anh Quân.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, Việt Nam đang ở tình thế khó xử khi lựa chọn chính sách vĩ mô, khi không gian tài khóa đã trở nên hạn hẹp hơn và chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để có thể điều chỉnh linh hoạt.

Hệ lụy của vấn đề này đã được ông trao đổi với VnEconomy.

Bội chi 5% GDP chỉ là trần mềm

Việc “áp cứng” mức bội chi ngân sách không vượt quá 5% có khiến cho chính sách tài khóa khó linh hoạt để đối phó với tình hình kinh tế biến động, thưa ông?

Theo Luật Ngân sách, bội chi ngân sách tối đa được phép là 5% GDP/năm. Nhưng vấn đề là mức bội chi này không phân biệt các khoản thâm hụt trong và ngoài dự toán ngân sách.

Trên thực tế, thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn vượt quá 5%, nếu tính cả thâm hụt ngoài dự toán. Tức là, 5% không phải là trần cứng mà là trần mềm, cho nên nó không áp đặt được kỷ luật đối với hoạt động chi tiêu ngân sách.

Vấn đề thực sự là với nền tài khóa quốc gia như hiện nay, nếu thâm hụt ngân sách cứ luôn vượt quá 5% GDP trong một thời gian dài sẽ nguy hiểm. Nếu không duy trì được sự lành mạnh trong cán cân tài khóa, không giảm thâm hụt ngân sách đến mức độ lành mạnh thì chắc chắn nó sẽ gây sức ép rất lớn lên việc điều hành kinh tế vĩ mô.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Vì nền kinh tế Việt Nam hiệu quả thấp nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao thì phải đầu tư rất nhiều vốn. Trong một thời gian dài, Việt Nam luôn duy trì mức đầu tư rất cao, lên tới trên 40% GDP, tức là có lẽ chỉ thua Trung Quốc. Và khi đầu tư lớn như thế, chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng cũng luôn phải chạy theo.

Nếu đầu tư hiệu quả thì không sao, nhưng nếu không hiệu quả thì sẽ gây sức ép lên lạm phát. Đó là vòng xoáy của kinh tế vĩ mô Việt Nam như chúng ta đã chứng kiến rất rõ trong mấy năm gần đây.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào dòng vốn từ bên ngoài vì nhu cầu vốn của nền kinh tế cao hơn tiết kiệm nội địa tới 10-15%. Hơn nữa, vì Việt Nam đã chạm ngưỡng thu nhập trung bình thấp nên các khoản vay quốc gia trong tương lai sẽ mang tính thương mại nhiều hơn. Với tình trạng tài khóa và tiền tệ như vừa mô tả ở trên thì mức độ tín nhiệm tín dụng quốc gia sẽ không tốt, và vì vậy chi phí đi vay sẽ tăng lên. Tất nhiên điều này cũng đúng cho các khoản vay của doanh nghiệp.

Vấn đề là hiệu quả đầu tư

Ông có nói không gian tài khóa đang thu hẹp lại. Vậy điều này dẫn đến những khó khăn gì?

Theo ADB, nếu tính cả chi ngoài ngân sách thì thâm hụt của Việt Nam trong năm 2009 là trên 9% GDP. Năm 2010, ADB dự đoán thâm hụt ngân sách vào khoảng 10,2% GDP. Thâm hụt ngân sách lớn làm cho không gian chi tiêu bị thu hẹp. Nếu túi thủng thì đâu thể chi nhiều.

Thứ hai, nếu Chính phủ muốn phát hành trái phiếu thì chi phí phát hành sẽ cao lên. Ví dụ như Việt Nam, Indonesia và Philippines cùng phát hành trái phiếu quốc tế, nhưng chúng ta phải trả mức lợi suất cao hơn 1 điểm % so với hai nước còn lại, bởi vì nhà đầu tư thấy nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và nền tài khóa của chúng ta chứa đựng rủi ro cao hơn.

Hệ quả thứ ba là nó tạo nên sự chèn lấn đối với các khu vực kinh tế khác. Nếu nhà nước chi quá nhiều tiền thì không còn tiền để cho khu vực dân doanh. Bởi vì nhà nước phải bù đắp lại thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay, và tiền sẽ đổ vào túi nhà nước chứ không vào khu vực dân doanh.

Tại sao đầu tư lớn như vậy nhưng tăng trưởng của Việt Nam không cao như mong muốn?

Vấn đề nằm ở hiệu quả của đầu tư. Hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) của Việt Nam vốn đã cao so với các nước trong khu vực nhưng vẫn đang tiếp tục tăng. Nếu nhìn sâu hơn vào con số ICOR thì thấy đầu tư kém hiệu quả phụ thuộc vào thể chế, cụ thể là cơ chế phân bổ vốn.

Cụ thể là nếu như chúng ta đầu tư 40% GDP và những dòng vốn này được đưa vào tay người sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất thì có thể tạo ra 9-10% tăng trưởng như thành tích của Trung Quốc. Còn nếu đưa vào tay người sử dụng chúng một cách lãng phí và thất thoát thì một mặt tăng trưởng không thể cao được, mặt khác lại gây sức ép lạm phát.

Chính sách tiền tệ cần phải “nhìn trước”

Theo dõi chính sách tiền tệ thời gian qua, dường như chúng ta đang chạy theo sau các điều chỉnh từ tín hiệu thị trường chứ không phải là chính sách có tầm nhìn vĩ mô dài hạn?

Trên thực tế, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, thời điểm ra chính sách tiền tệ và thời điểm chính sách tiền tệ thực sự đi vào cuộc sống phải qua quá trình dẫn chuyền chính sách. Khoảng cách ấy đối với Việt Nam thông thường là 5-7 tháng.

Cũng như chúng ta muốn làm điều gì đó mà nó xảy ra trong 5-7 tháng tới thì chúng ta phải làm vào thời điểm này. Hoặc là nếu chúng ta muốn điều gì đó xảy ra vào thời điểm này thì phải làm từ 5-7 tháng trước. Cho nên, chính sách tiền tệ cần phải “nhìn trước” chứ không phải “chạy theo”.

Nhưng ở Việt Nam, chính sách tiền tệ thường mang tính phản ứng chứ không có tính lường trước, và vì vậy hay gây ra những sự giật cục, làm tăng tính bất định và rủi ro cho nền kinh tế.

Dư địa chính sách không còn nhiều

Như ông nói thì dư địa cho chính sách tài khóa và cả chính sách tiền tệ trong thời điểm này dường như khó khăn hơn rất nhiều?

Về chính sách tài khóa thì tôi đã nói ở trên, nếu túi anh đã thủng thì rất khó để có thể chi tiêu thêm.

Về chính sách tiền tệ, dư địa điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng khá hạn hẹp. Lấy ví dụ như vấn đề trần lãi suất đang gây nhiều tranh cãi hiện nay. Lãi  suất VND phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá trị đồng tiền, lạm phát, chênh lệch tỷ giá giữa USD/VND… Cho nên mỗi lần ra chính sách liên quan đến lãi suất Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc rất nhiều biến số, và do đó dư địa để có thể điều chỉnh linh hoạt là không nhiều.

Quay lại vấn đề trần lãi suất, hiện nay các khoản tín dụng trung và dài hạn đã được áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, nhưng lãi suất huy động lại vẫn đang chịu mức trần 10,5%. Đây là một sự không nhất quán trong điều hành lãi suất, và sự không nhất quán này dẫn đến nhiều sự méo mó trên thị trường tín dụng, chẳng hạn như lách quy định bằng khuyến mại để tăng huy động hay biến tín dụng ngắn hạn thành dài hạn để có thể áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất...

Một hạn chế nữa là với kỳ vọng lạm phát sẽ còn cao hơn nữa, và do vậy mức lãi suất 10,5% không hấp dẫn với người gửi tiền thì dòng tiền có thể chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, USD, chứng khoán…

Điều đó lại đẩy vấn đề đi sang một mắt xích khác, đó là chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa USD và VND với khả năng đồng VND sẽ tiếp tục mất giá. Nếu lãi suất USD thấp thì người dân gửi tiền VND và vay tiền USD. Ngược lại, nếu lãi suất USD cao thì người ta quay qua gửi tiền USD và vay tiền VND.

Riêng việc xử lý mối quan hệ tỷ giá và lãi suất của VND và USD cũng đã khá vất vả, đấy là chưa kể đến một thực tế là tình trạng "USD hóa" và "vàng hóa" của Việt Nam rất nặng nề, khiến Ngân hàng Nhà nước không nắm được một cách chính xác lượng cung tiền tệ, và vì vậy rất khó “kê đơn bốc thuốc”.

Khi mà dư địa chính sách không còn, trong khi nhiệm vụ ổn định được đặt lên hàng đầu thì việc điều hành sẽ như thế nào?

Chắc chắn là sẽ rất khó khăn. Nhìn thuần túy từ góc độ kinh tế, chung quy của vấn đề này nằm ở hiệu quả đầu tư, mà điều này lại phụ thuộc và sự tồn tại các thể chế khuyến khích người ta đầu tư hiệu quả hay không. Tôi tin rằng nếu hiệu quả đầu tư được cải thiện thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ trở nên ổn định hơn và nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng hằng năm trên dưới 7% mà không đòi hỏi phải tăng đầu tư quá mức như hiện nay, và do vậy áp lực lên lạm phát cũng không quá lớn.

Tăng trưởng luôn luôn là một cuộc trường chinh. Vì vậy, không thể chỉ vì tăng trưởng ngắn hạn mà hy sinh sự ổn định và bền vững trong dài hạn. Cổ nhân ngày xưa có câu “dục tốc bất đạt”, không những thế cái giá phải trả cho kinh tế bất ổn rất lớn, chỉ cần nhìn sang mấy nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia hay Philippines là có thể thấy rất rõ điều này.

Về mặt điều hành, để tăng hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công thì phải có những cơ chế thích hợp. Bước quan trọng đầu tiên là phải công khai và áp dụng một quy trình thẩm định nghiêm ngặt đối với các khoản đầu tư công có quy mô vượt qua một ngưỡng nhất định. Tôi hy vọng rằng Luật Đầu tư công sẽ thực hiện được yêu cầu hết sức cấp thiết này của nền kinh tế.