Ngân hàng Nhà nước muốn số hóa 100% thủ tục hành chính còn hiệu lực
Ngân hàng Nhà nước hướng tới mục tiêu đạt mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 90%...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đặt ra Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cơ quan này nhấn mạnh, sẽ cung cấp dịch vụ hành chính công 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước hướng tới mục tiêu đạt mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 90%.
Kế hoạch cũng đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản, cụ thể khác như: cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.
Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước thực hiện bằng phương thức điện tử; tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.
Số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngân hàng Nhà nước; tối thiểu 80% thủ tục hành chính có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4.
Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%...
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ cụ thể được Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất. Rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước; cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù hoạt động.
Xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế-xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số…