16:12 17/03/2022

Ngành du lịch ở các nước Đông Nam Á: Nửa mừng, nửa lo

Tường Bách

Theo New York Times, nếu tới Đông Nam Á trong thời gian này, du khách có thể phải thực hiện thêm một số thủ tục giấy tờ, giá vé máy bay phần nào cao hơn nhưng chi phí khách sạn rẻ hơn và sẽ ít đông đúc hơn…

Các khu nghỉ dưỡng của Bali (Indonesia) trong tháng này đã đón khách du lịch nước ngoài với các quy tắc phòng dịch được nới lỏng như khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine không cần phải cách ly, thanh toán tiền đặt phòng khách sạn tối thiểu 4 ngày. Campuchia từ cuối tháng 1/2022 đã phát động chiến dịch mang tên "Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn", theo đó toàn bộ du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đều được hoan nghênh mà không cần cách ly.

Thái Lan đã nối lại chương trình “Test & Go”, cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải lưu lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19. Việt Nam cũng mở cửa biên giới vào ngày 15/3 cho khách du lịch quốc tế. Malaysia tuần trước thông báo mở cửa trở lại vào ngày 1/4 và không yêu cầu cách ly…

Sau một thời gian dài gián đoạn với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở một số quốc gia Đông Nam Á thì cho tới nay du khách quốc tế đã có thể quay trở lại khu vực này. Việc tiêm chủng được phủ rộng ở Đông Nam Á cũng như tình hình đại dịch đã được kiểm soát tốt ở nhiều nơi trên thế giới được coi là điều kiện thúc đẩy việc mở cửa du lịch trở lại. Bên cạnh đó, tình hình ở Ukraine hiện nay có thể khiến nhiều người lựa chọn đến Đông Nam Á, khu vực cách Ukraine 7.242 km, thay vì tới châu Âu.

Trước đại dịch, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới về du lịch quốc tế, với kỷ lục 139 triệu du khách vào năm 2019, tăng khoảng 8% so với năm 2018, theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc. Vịnh Hạ Long ở Việt Nam tấp nập với hàng trăm tàu du lịch, các quán bar trên mái nhà ở Kuala Lumpur của Malaysia đầy ắp những người thích tiệc tùng và rất đông du khách tản bộ tại các con phố trên nhiều hòn đảo của Thái Lan như Phuket…

Tình hình ở Ukraine hiện nay có thể khiến nhiều người lựa chọn đến Đông Nam Á, khu vực cách Ukraine 7.242 km, thay vì tới châu Âu.
Tình hình ở Ukraine hiện nay có thể khiến nhiều người lựa chọn đến Đông Nam Á, khu vực cách Ukraine 7.242 km, thay vì tới châu Âu.

Năm nay, theo nhiều khách du lịch và các công ty du lịch trong khu vực với sự hồi sinh ngày càng tăng của du lịch quốc tế, du khách sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng sẽ có một số trở ngại cần khắc phục. Để đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe, các du khách cần xét nghiệm Covid-19, mua bảo hiểm sức khỏe và du lịch trước khi nhập cảnh, có thể cần tải xuống các ứng dụng đi lại của chính phủ nước sở tại, nhằm thuận lợi hơn trong quá trình di chuyển.

Trong thời kỳ đầu phục hồi du lịch, có thể dịch vụ tại một số nơi và nguồn nhân lực còn thiếu hụt tại Đông Nam Á. Chi phí chuyến bay cao hơn cũng được nhiều người dự kiến. Theo phân tích của công ty đặt vé máy bay và khách sạn Hopper, giá vé máy bay từ Mỹ đến Đông Nam Á trong tháng trước cao hơn khoảng 30% so với trước đại dịch, do có ít máy bay hơn bay đến khu vực này.

Để bù đắp cho chi phí hàng không, du khách có thể nhận được một "món hời" khi có nhiều loại hình lưu trú trong khu vực và giá cả rẻ hơn hẳn, từ các phòng ở chung đến các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Các điểm du lịch nổi tiếng từng bị ảnh hưởng bởi tình trạng quá tải du lịch, như đảo Phi Phi Leh ở Thái Lan, Angkor Wat ở Campuchia và Boracay ở Philippines, sẽ yên bình hơn. Và cơ hội để khám phá các món ăn địa phương một cách truyền thống và thoải mái nhất dường như đang mở ra.

Các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Hopper và Booking.com cho biết các lượt tìm kiếm chuyến bay và khách sạn đang gia tăng ở Đông Nam Á. Theo thông tin của Google, lượt tìm kiếm về Việt Nam tăng nhanh nhất so với tất cả các quốc gia từ tháng 12 đến tháng 2, 75%. Các hãng hàng không quốc tế và khu vực như Singapore Airlines, Thai Airways và VietJet của Việt Nam cũng đang tăng tốc nối lại các chuyến bay.

Với việc giá trị của đồng Rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục, số lượng người Nga có đủ khả năng đi du lịch nước ngoài hiển nhiên cũng sẽ giảm xuống.
Với việc giá trị của đồng Rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục, số lượng người Nga có đủ khả năng đi du lịch nước ngoài hiển nhiên cũng sẽ giảm xuống.

Dù vậy, ngành du lịch các nước Đông Nam Á chưa thể hoàn toàn mỉm cười bởi người Trung Quốc vẫn chưa thể đi du lịch nước ngoài, đồng nghĩa với việc thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang mất thị trường du lịch số một. Đây là thị trường được coi như "mỏ vàng" đối với nhiều quốc gia, vì lượng khách này đi nhiều và chi tiêu mạnh tay. Năm 2019, 10 quốc gia Asean đón 32,3 triệu khách Trung Quốc, chiếm hơn 22% tổng lượng khách trong khu vực. Trong đó, Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề vì Trung Quốc đóng góp gần 11 triệu lượt khách năm 2019.

Gary Bowerman, một nhà phân tích du lịch có trụ sở tại Kuala Lumpur, cho biết khách Nga là thị trường ưu tiên của các điểm đến bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Bali của Indonesia kể từ khi lượng khách Trung Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, điều mong đợi này rõ ràng đã bị giáng một đòn mạnh sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra. Với việc giá trị của đồng Rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục, số lượng người Nga có đủ khả năng đi du lịch nước ngoài hiển nhiên cũng sẽ giảm xuống.

Tờ Theo New York Times nhận định, để kích cầu ngành du lịch, mỗi quốc gia cần có kế hoạch và chiến lược riêng nhưng sự hợp tác khu vực và toàn cầu là cần thiết. Ngoài các chiến dịch du lịch quốc gia (như chiến lược More Fun Awaits của Phillipines hay Live Fully in Vietnam), Asean nên thúc đẩy hợp tác thông qua các nền tảng kỹ thuật số chung, chia sẻ thông tin và đồ họa về thực hành du lịch an toàn.

Đại dịch làm cho việc áp dụng kỹ thuật số và các công cụ công nghệ khác càng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên khi triển khai công nghệ “không tiếp xúc” hoặc đặt phòng và thanh toán trực tuyến cho các giao dịch liên quan đến du lịch, các nước nên hợp tác và chia sẻ luồng dữ liệu xuyên biên giới để biết thông tin liên quan đến hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số.