Ngành giáo dục Nghệ An giải "cơn khát" giáo viên với gần 2.200 biên chế
Việc bổ sung biên chế cho ngành giáo dục Nghệ An trong thời điểm này có ý nghĩa rất lớn với các nhà trường, nhất là khi hiện nay tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại nhiều địa phương, nhiều trường học và nhiều bậc học khác nhau...
Tỉnh ủy Nghệ An vừa ra Thông báo số 1192-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về bổ sung biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, trong thông báo này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất đồng ý bổ sung 151 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của khối Chính quyền (từ nguồn biên chế dự phòng năm 2024) cho cho một số đơn vị. Trong đó, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được bổ sung 121 biên chế.
Ngoài ra, đồng ý chủ trương để UBND tỉnh Nghệ An trình HĐND tỉnh Nghệ An về phân bố bổ sung 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024 theo Quyết định số 2392-QĐ/BTCTW ngày 06/12/2023 của Ban Tổ chức Trung ương.
Trong đó, khối mầm non 1.352 biên chế; khối Tiểu học 369 biên chế; khối Trung học cơ sở 441 biên chế và khối Trung học phổ thông 25 biên chế.
Trước thềm năm học này, theo kiểm tra, rà soát, toàn tỉnh Nghệ An còn thiếu khoảng 6.500 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non. Đây là khó khăn rất lớn cho các địa phương trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ. Nhưng do chủ trương tinh giản biên chế nên trung ương không giao đủ; vì thế tỉnh Nghệ An cũng không có biên chế để phân bổ cho các cơ sở tuyển dụng.
Như năm học 2022 – 2023, thành phố Vinh thiếu 227 giáo viên ở cả 3 cấp học, trong đó nhiều nhất là giáo viên ở bậc mầm non. Năm học 2023-2024, tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp tục diễn ra, bậc THCS cần khoảng 1.003 giáo viên nhưng biên chế hiện chỉ có 884 giáo viên.
Tại huyện Thanh Chương, căn cứ quy định của ngành giáo dục, toàn huyện thiếu 437 giáo viên tiểu học và mầm non; thiếu 109 người so với định biên tỉnh giao. Trong khi đó bậc THCS lại đang thừa 141 giáo viên nhưng lại thiếu giáo viên các môn như: Tiếng Anh, Tin học, Hóa học.
Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm nay, năm nào Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ bổ sung biên chế đủ định mức nhưng chỉ được bố trí một số lượng biên chế nhất định, không đủ theo định mức.
Trong khi, các trường thiếu giáo viên rất khó khăn vì biên chế không được giao, có cơ chế cho hợp đồng nhưng tự trả lương thì các trường không có nguồn kinh phí, trong khi buộc phải có đủ giáo viên để tổ chức dạy học cho học sinh. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các trường buộc phải động viên giáo viên cơ hữu dạy vượt giờ, thêm giờ. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế vì sẽ làm giáo viên mệt mỏi và khó khăn về kinh phí.
Một số địa phương của tỉnh Nghệ An đã chi ngân sách giáo dục để cấp cho các trường hợp đồng thêm giáo viên ngoài biên chế hoặc giáo viên nghỉ hưu hoặc chi trả tiền dạy vượt giờ cho giáo viên.
Đối những trường không có kinh phí huyện cấp thì co kéo chi trả ít ỏi từ qui chế chi tiêu nội bộ; một số trường bố trí giáo viên dạy liên trường (Tin học, Ngoại ngữ,...) để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Tình trạng thiếu giáo viên, mất cân đối đội ngũ (thừa thiếu cục bộ) gây nên những khó khăn không nhỏ cho các cơ sở giáo dục tại Nghệ An trong năm học mới. Vì vậy, việc bổ sung biên chế cho ngành giáo dục Nghệ An trong thời điểm này có ý nghĩa rất lớn với các nhà trường, nhất là khi hiện nay tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại nhiều địa phương, nhiều trường học và nhiều bậc học khác nhau.