Ngành gỗ Việt Nam mong muốn nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ
Trung Quốc đã cấm nhập gỗ tròn, gỗ xẻ từ Hoa Kỳ (mỗi năm ước tính khoảng 2 tỷ USD), vì vậy Hoa Kỳ đang tìm đầu ra cho ngành hàng xuất khẩu này. Do đó, ngành gỗ Việt nam mong muốn sẽ nhập khẩu khối lượng gỗ tròn và gỗ xẻ này từ Hoa Kỳ để phục vụ chế biến gỗ, sau đó xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm sang Hoa Kỳ…

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2025 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,5%, thị trường Nhật Bản tăng 21%, thị trường Trung Quốc giảm 15,2%.
NHU CẦU NHẬP KHẨU GỖ NGUYÊN LIỆU CỦA VIỆT NAM RẤT LỚN
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết Việt Nam có ngành chế biến gỗ và xuất khẩu đồ gỗ rất mạnh, tuy nhiên sản lượng gỗ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, hàng năm Việt Nam đang phải nhập khẩu khối lượng gỗ nguyên liệu rất lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
Trong tổng kim ngạch 2,81 tỷ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2024, nước ta nhập gần 2,4 tỷ USD các mặt hàng gỗ nguyên liệu (mã HS 44), chiếm tới 85,2% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
"Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường Hoa Kỳ đạt 316,36 triệu USD, tăng 32,9% so với năm 2023 và chiếm 11,2% tổng kim ngạch nhập khẩu ngành gỗ của Việt Nam. Ba mặt hàng chính gồm gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer có giá trị nhập khẩu đạt 311,96 triệu USD, chiếm tới 98,6% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Hoa Kỳ trong năm 2024”.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Trong cơ cấu nhập khẩu thì gỗ tròn và gỗ xẻ vẫn là hai mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn trên 50% trong kim ngạch nhập khẩu của ngành gỗ. Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu trên 1,83 triệu m3 gỗ tròn, giá trị 497,83 triệu USD, tăng 13% về lượng và 9,5% về giá trị. Trong đó, nhập khẩu gỗ tròn từ Hoa Kỳ đạt 303,33 nghìn m3 và 89,9 triệu USD, tăng 41,4% về lượng và 51,6% về giá trị so với năm 2023. Hoa Kỳ là thị trường cung gỗ tròn lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 16,5% tổng lượng gỗ tròn Việt Nam nhập khẩu trong năm 2024.
Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 2,39 triệu m3 gỗ xẻ, giá trị 923,05 triệu USD, tăng 66,9% về lượng và 66,4% về giá trị so với năm 2023. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia cung gỗ xẻ hàng đầu cho Việt Nam năm 2024, cung cấp 428,98 nghìn m3, đạt 215,32 triệu USD, tăng 20,8% về lượng và 29,6% về giá trị so với năm 2023, chiếm 18% tổng lượng gỗ xẻ Việt Nam nhập khẩu trong năm 2024.
Nhập khẩu gỗ dán năm 2024 đạt 565,82 nghìn m3, giá trị 218,27 nghìn m3, tăng 44% về lượng và 37% về giá trị so với năm trước đó. Lượng veneer/ván bóc Việt Nam nhập khẩu trong năm 2024 cũng tăng cả về lượng và giá trị so với năm 2023.
Năm 2024 Việt Nam nhập 268,52 nghìn m3 veneer/ván bóc, tăng 38,4% so với năm 2023; về giá trị đạt 328,45 triệu USD, tăng 43,1% so với năm trước đó. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ 4,24 nghìn m3 veneer/ván bóc, đạt 6,72 triệu USD, tăng 103% về lượng và 108% về giá trị so với năm 2023. Thị trường này đang chiếm 1,6% tổng lượng veneer/ván bóc nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2024 và đứng thứ ba trong số các nước cung mặt hàng này cho Việt Nam.
Đối với mặt hàng ván sợi, trong năm 2024, Việt Nam nhập 837,9 nghìn m3, đạt 201,03 triệu USD, tăng 59% về lượng và 36,8% về giá trị so với năm 2023.
NGÀNH GỖ VIỆT NAM HƯỚNG TỚI CÂN BẰNG THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG VỚI HOA KỲ
Tại cuộc họp diễn ra vào chiều 7/4 với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 9,4 tỷ USD trong năm 2024.
Mỗi năm Hoa Kỳ nhập khoảng 23 – 24 tỷ USD đồ gỗ nội thất, trong đó Việt Nam cung cấp khoảng 38 – 40% kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu là những sản phẩm đồ gỗ thành phẩm chất lượng cao được chế biến tại Việt Nam với nguồn nhân công giá rẻ.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ tăng nhanh, theo ông Hoài là do từ năm 2018, tranh chấp thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc nổ ra, các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc bị áp thuế từ 25% đến trên 200%, còn Việt Nam thì không chịu bất kỳ thay đổi nào về thuế quan. Do đó, đây là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập nguyên liệu thô từ Hoa Kỳ và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao sang đối tác. Điều này cũng phù hợp với chính sách của cả thời Tổng thống Trump và Tổng thống Biden – đó là đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp đồ nội thất lớn thứ hai cho Hoa Kỳ – một bước phát triển đột phá. Điều đó cũng khiến ngành gỗ Việt Nam trở thành đối tượng bị theo dõi sát sao hơn. Tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam dù đã nhiều lần trải qua các đợt điều tra từ phía Hoa Kỳ nhưng đến nay vẫn đạt được nhiều thoả thuận hợp tác kỹ thuật, đảm bảo gỗ khai thác hợp pháp.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho hay gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ luôn đảm bảo yêu cầu về gỗ hợp pháp, vì vậy ngành gỗ Việt Nam đang hướng đến nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nguồn này. Hàng năm, Việt Nam chi hơn 300 triệu USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ (chủ yếu là các loại gỗ sồi, gỗ tần bì), được dùng để chế biến thành sản phẩm đồ gỗ rồi tái xuất trở lại Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, hiện nay Hoa Kỳ luôn tìm đầu ra cho gỗ rừng trồng và Việt Nam là quốc gia nhập gỗ nguyên liệu lớn thứ 2 thế giới từ Hoa Kỳ. “Mới đây, Trung Quốc đã cấm nhập gỗ tròn, gỗ xẻ từ Hoa Kỳ, mỗi năm ước tính khoảng 2 tỷ USD, vì vậy Hoa Kỳ đang tìm đầu ra cho ngành hàng xuất khẩu này. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mong muốn sẽ nhập khẩu khối lượng gỗ tròn và gỗ xẻ này từ Hoa Kỳ để phục vụ chế biến gỗ, sau đó xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm sang Hoa Kỳ. Đây có thể là cách để góp phần cân bằng thương mại song phương ngành gỗ với Hoa Kỳ”, ông Ngỗ Sỹ Hoài đề xuất.
Đề cập về những biến động trong xuất khẩu ngành gỗ hiện nay, ông Hoài thông tin, trước mắt, doanh nghiệp vẫn giữ vững bình tĩnh, đồng thời đặt niềm tin vào nỗ lực đàm phán của Chính phủ. Đặc biệt, việc Việt Nam đưa ra quyết định miễn phí hoàn toàn cho lô hàng gỗ nhập từ Hoa Kỳ cho thấy tín hiệu thiện chí rõ của những lãnh đạo đứng đầu đất nước.
Về dài hạn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ tài chính, tài khóa tiền tệ như đã từng áp dụng thời COVID: hoãn nợ, giãn thuế, giảm tiềm thuê đất … để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Trong nguy luôn có cơ. Thách thức hiện tại có thể là động lực để chúng ta cơ cấu lại ngành, tập trung vào các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao như nội thất – nơi mà Việt Nam có nhiều lợi thế”, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.

Tại cuộc họp chiều 7/4 với các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định: “Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ tiếp tục lắng nghe, hiến kế để tìm ra những giải pháp thiết thực. Đồng thời, việc đoàn kết, đồng lòng vì lợi ích chung của cộng đồng ngành hàng và quốc gia sẽ là yếu tố quyết định trong giai đoạn khó khăn này.
Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo từ trước. Trong đó, việc đàm phán với các đối tác của Hoa Kỳ như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, nhằm có tiếng nói chung với Chính phủ Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân duy trì kế hoạch sản xuất, không thay đổi trong thời gian này. Đồng thời sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và tiếp tục ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội để đề xuất với Chính phủ.