16:54 31/07/2023

Ngược chiều với đối thủ trong liên danh Hoa Lư, Vinaconex báo lãi giảm 24%

An Phong

Trái ngược với "đối thủ" HBC, Coteccons và Ricons, Vinaconex báo lãi quý 2 giảm mạnh còn 130,3 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG)
nằm trong liên danh VIETUR do một Tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu liên danh, gồm cả Ricons. Tuy nhiên, trái ngược với "đối thủ" HBC, Coteccons và Ricons, Vinaconex báo lãi quý 2 giảm mạnh.

Báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2023 của Vinaconex đạt 4.566 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán còn tăng gấp ba dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ còn 430 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao.

Đặc biệt, trong khi Vinaconex còn ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết lên tới 12,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái vẫn có lãi nhẹ. Dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm ngoái còn 163 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, VCG báo lãi sau thuế 130,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu 6.531 tỷ đồng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với con số đạt được của năm 2022 là 654 tỷ đồng. 

Năm 2023, VCG lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8%, còn 860 tỷ đồng. 

Tổng cộng nguồn vốn của VCG tính đến thời điểm cuối tháng 6 là 31.409 tỷ đồng giảm nhẹ so với con số đầu năm. Trong đó, nợ phải trả giảm từ 22.068 tỷ đồng xuống còn 21.454 tỷ đồng chủ yếu do người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm, phải trả người bán ngắn hạn giảm. Vay nợ tài chính ngắn hạn tăng từ 5.345 tỷ đồng lên 7.291 tỷ đồng; trong khi đó; vay nợ tài chính dài hạn giảm từ 8.168 tỷ đồng xuống còn 6.058 tỷ đồng.

Ở bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của VCG dương 931 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái còn âm hơn 1.000 tỷ đồng chủ yếu do hàng tồn kho lớn.

Vinaconex có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 1.118 tỷ đồng trong đó Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh giá gốc là 651 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư mất trắng khi giá trị có thể thu hồi bằng 0. Ngoài ra, 580 tỷ đồng tại các đối tượng khác giá trị có thể thu hồi chỉ còn 118 tỷ đồng.

Khoản nợ xấu tại Vinaconex. 
Khoản nợ xấu tại Vinaconex. 

Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh là công ty do Vinaconex và Posco E&C góp vốn theo tỉ lệ góp vốn 50:50 để đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh có quy mô khoảng 264,4ha nằm trải dài trên các xã An Khánh, Song Phương, Lại Yên và Vân Canh thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dự án này còn có tên gọi là Splendora.

Trước đó, ngày 28/6/2019 tại đại hội cổ đông thường niên Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, chủ đầu tư An Khánh JVC hiện đang lỗ tới 1.600 tỷ đồng, âm vốn sở hữu 1.000 tỷ đồng. Tổng nợ của doanh nghiệp cũng lên tới 6.000 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ tiềm tàng vào khoảng 1.600 tỷ đồng.