08:11 20/06/2024

Nguồn thu từ AI với các tòa soạn báo Việt Nam

Mạnh Chung

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang len lỏi vào nhiều công đoạn của một tòa soạn báo, ít nhiều tác động gián tiếp tới hiệu suất hoạt động và nguồn thu của các cơ quan báo chí. Để có nguồn thu trực tiếp từ AI như nhiều tờ báo trên thế giới thì báo chí Việt Nam vẫn chưa chạm tới...

Theo khảo sát năm 2023, có khoảng 1/4 cơ quan báo chí tại Việt Nam đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức.
Theo khảo sát năm 2023, có khoảng 1/4 cơ quan báo chí tại Việt Nam đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức.

Khảo sát Báo chí Việt Nam 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp thực hiện, cụ thể là Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) là đơn vị trực tiếp triển khai, trên số lượng mẫu là 177 cơ quan báo, tạp chí trên cả nước, trong đó có khoảng 1/4 cơ quan báo chí tại Việt Nam đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức.

Kết quả khảo sát cho thấy có 29,4% cơ quan báo chí đã có kế hoạch ứng dụng Al trong tòa soạn nhưng chưa triển khai. Hơn 1/3 (36,2%) vẫn chưa có kế hoạch ứng dụng, trong khi 15 cơ quan báo chí khẳng định sẽ không sử dụng Al trong các hoạt động của tòa soạn. Có 36/46 cơ quan báo chí đang ứng dụng Al đã tự xây dựng hệ thống để vận hành, còn lại sử dụng dịch vụ thuê ngoài.

AI HIỆN DIỆN TRONG NHIỀU CÔNG ĐOẠN CỦA TÒA SOẠN

VietnamPlus là cơ quan báo chí ứng dụng AI từ khá sớm. Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, cho biết từ năm 2014 VietnamPlus đã mua các ứng dụng công cụ của nước ngoài để phóng viên, biên tập viên vẽ đồ họa, bảng biểu… Tuy nhiên, những công cụ tự động này khi đó chưa gọi bằng khái niệm trí tuệ nhân tạo mà chỉ dừng ở thuật ngữ tự động hóa (automation). Năm 2017, thì báo mua công cụ làm video online để hỗ trợ phóng viên bắn phụ đề khi dựng video mà không cần phải có máy cấu hình cao, cài đặt những phần mềm nặng và đắt tiền, tất cả quản lý trên cloud (điện toán đám mây) và ngồi bất kỳ đâu cũng làm được.

“Ngay từ sớm đã có những ứng dụng liên quan đến AI, nhưng thời đó AI chưa xem là trend (xu hướng) mà chỉ là automation, mặc dù cũng có chút AI”, ông Nhật cho biết. Đồng thời, ông Nhật cho rằng AI bắt đầu trở thành xu hướng lớn trên thế giới từ khi xuất hiện Generative AI (AI tạo sinh), tạo sự đột phá về AI.

Sự “xâm nhập” của AI dễ thấy qua việc ứng dụng text to image (tạo ảnh từ chữ), công cụ gỡ băng, công cụ biến text thành voice, những ứng dụng cơ bản nhất đều được áp dụng giúp tăng hiệu suất công việc cho phóng viên, biên tập viên. Nhất là phóng vấn nghị trường hành lang Quốc hội thì có công cụ bóc băng sản xuất bài rất nhanh, hay sản xuất Podcast tự động. Trước đây, theo ông Nhật, để sản xuất một bản tin Podcast mất ít nhất hai nhân sự và 2-3 tiếng đồng hồ mới sản xuất ra một bản tin, nhưng hiện thời gian được rút gọn lại chỉ mất khoảng 30-45 phút là có thể sản xuất được một bản tin và cũng chỉ cần một nhân sự.  AI tất nhiên vẫn cần đến biên tập viên kiểm soát khâu cuối cùng.

 
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
"Báo chí nên mạnh dạn sử dụng AI và có chiến lược AI cụ thể, con đường này là không phải bàn cãi. Nhưng nếu không nắm quyền chủ động và để AI đẩy báo chí đến chỗ suy vong thì lại là điều cần phải cân nhắc thật nghiêm túc".

Phó Tổng biên tập VietnamPlus cũng cho biết công cụ biến văn bản thành ảnh hỗ trợ rất hiệu quả cho biên tập viên, nhất là như VietnamPlus có lượng tin bài sản xuất khá lớn, mỗi ngày trung bình 200 tin bài và rất nhiều tin bài không có ảnh, trong khi làm báo điện tử ảnh minh họa có tác dụng rất tốt, đặc biệt cho SEO (tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm). Trước đây chưa có các công cụ này thì biên tập viên thường khai thác ảnh trên Internet và việc khai thác ảnh trên Internet tất nhiên sẽ đụng đến vấn đề bản quyền.  “Tôi là người trực tiếp xử lý nhiều trường hợp, các trang nước ngoài gửi thư đến tòa soạn, trong đó có trang chỉ cần đề tên của họ, có trang đề nghị phải backlink (điều hướng tới link gốc – link lấy ảnh), có trang thậm chí đòi tiền. Còn bây giờ tình trạng đấy được giải quyết hoàn toàn. Không có ảnh thì sử dụng công cụ biến văn bản thành hình ảnh để làm các hình ảnh minh họa”, ông Nhật cho hay.

Một mảng nữa rất quan trọng là AI hỗ trợ cho phóng viên, biên tập viên trong khâu thiết kế. Ông Nhật ví dụ một trong những đặc sản của VietnamPlus là những bài Mega Story, trước đây do các bạn làm thiết kế chuyên nghiệp phụ trách, nhưng lúc gặp vấn đề như quá tải hay bạn đó bị ốm là ảnh hưởng đến công việc và tiến độ sản xuất. Nhưng giờ, nhờ những công cụ tòa soạn mua và những công cụ đó sử dụng AI như Canva, Infogram, Flourish (sản xuất infographics) đã hỗ trợ phóng viên, biên tập viên có thể tự thiết kế. Về hiệu suất công việc, tính thẩm mỹ cũng không kém gì nhiều so với các bạn làm thiết kế chuyên nghiệp.

Ở góc độ tòa soạn, ông Nguyễn Hoàng Nhật cho biết trong chiến lược chuyển đổi số của báo luôn coi yếu tố dữ liệu là trung tâm của phát triển tòa soạn, giúp cho tòa soạn có thể phân tích để hiểu độc giả của mình hơn, có thể hỗ trợ cho phát triển quảng cáo kỹ thuật số, hỗ trợ cho việc cá nhân hóa nội dung của người dùng. Đây cũng là xu hướng báo chí thế giới đang áp dụng. Tuy nhiên, khi thực hiện đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn, các cơ quan báo chí cũng chưa hoàn toàn chủ động về mặt công nghệ, do vậy phải tận dụng các cơ hội hợp tác phát triển...

NGUỒN THU TỪ AI TẠI VIỆT NAM: CẦN NGỌN CỜ TIÊN PHONG

Giai đoạn mới  - kinh tế báo chí từ AI  - trên thế giới đã xuất hiện. Ông Nhật cho biết mới đây có đọc được một bài viết về các tờ báo lớn ở Mỹ đã thu tiền từ AI như thế nào. Theo đó, một số tờ báo lớn cho các công ty công nghệ lớn Microsoft, OpenAI… truy cập vào kho nội dung của họ để phát triển những con bot của mình. Các công ty công nghệ trả số tiền rất lớn, mỗi hợp đồng của The Washington Post hay The New York Times lên tới vài chục triệu USD.

Ở Việt Nam, “giai đoạn mới – kinh tế báo chí từ AI” chưa có. Trong diễn đàn báo chí mới đây, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh, cho rằng ngày xưa báo chí (nói chung) đã mắc sai lầm là cho các công ty công nghệ thoải mái sử dụng kho nội dung của báo chí (Google chẳng hạn, Google lớn mạnh với công cụ tìm kiếm quá mạnh, nhờ được huấn luyện đi tìm kiếm kho nội dung của các báo). Do vậy, vấn đề đặt ra là các báo bây giờ phải làm điều gì đó, như thành lập liên minh và ngăn chặn các công ty như ChatGPT… truy cập vào kho nội dung của các báo. Tất nhiên, điều này lại tùy thuộc vào khả năng, trình độ công nghệ của các báo.

 
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus.
Nếu xét riêng về mặt chatbot AI của các tòa soạn báo ở Việt Nam hiện nay thì chỉ có ứng dụng Askonomy của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy (Askonomy là trợ lý thông tin kinh tế do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng với đối tác Actable AI phát triển).
Askonomy được xây dựng hoàn toàn bởi người Việt, với mã nguồn và dữ liệu đặt tại máy chủ trong nước, là ứng dụng thực sự hữu ích cho độc giả và được đánh giá là chatbot AI hàng đầu của tòa soạn báo ở Việt Nam hiện nay.

Khách quan mà nói, mô hình như The Washington Post hay The New York Times (để các công ty công nghệ truy cập vào kho nội dung để phát triển con bot và trả tiền ở Việt Nam) là rất khó và cũng chưa thấy có nguồn thu nào có thể thu được trực tiếp từ AI, bởi theo lãnh đạo của một số tờ báo và các tòa soạn báo trong nước, AI mới chỉ giúp nâng cao hiệu suất của sản xuất thông tin, từ việc nâng cao đó thì có thể tăng một chút nguồn thu.

Như tờ báo của mình, ông Nhật ước lượng AI gián tiếp đem lại 10-15% nguồn thu cho tòa soạn thông qua việc tăng cường, nâng cao hiệu suất hoạt động của báo nhờ hiện diện trong tất cả các khâu từ sản xuất nội dung, phân tích độc giả, phân phối nội dung đến tối ưu hóa quảng cáo...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nguồn thu từ AI với các tòa soạn báo Việt Nam - Ảnh 1