Nhà đầu tư chờ điều gì ở báo cáo CPI tháng 2 của Mỹ?
Các báo cáo lạm phát Mỹ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư vì các số liệu này có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của Fed...
Giá xăng tăng có thể khiến lạm phát ở Mỹ chững lại trong tháng 2 vừa qua, thay vì nối lại đà giảm mạnh của những tháng cuối năm 2023. Điều đó sẽ củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm giữ phương pháp tiếp cận từ tốn khi tiến hành giảm lãi suất.
Vào ngày thứ Ba (12/3), Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một thước đo lạm phát quan trọng, có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Fed.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI toàn phần tăng 0,4% trong tháng 2 so với tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,3% ghi nhận trong tháng 1. CPI lõi - chỉ số không tính đến hai nhóm mặt hàng thường xuyên biến động là năng lượng và thực phẩm - được dự báo tăng 0,3% so với tháng trước, cũng cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng 1.
Tính theo cơ sở năm, lạm phát toàn phần được dự báo tăng 3,1% và lạm phát lõi tăng 3,7%, so với các mức tăng tương ứng 3,1% và 3,9% ghi nhận trong tháng đầu năm.
LẠM PHÁT GIẢM CHẬM LẠI, THỜI ĐIỂM GIẢM LÃI SUẤT BỊ ĐẨY LÙI
Dù đã giảm mạnh từ mức đỉnh của hơn 4 thập kỷ thiết lập vào giữa năm 2022, lạm phát ở Mỹ gần đây có dấu hiệu chững lại và dai dẳng ở mức còn khá cao so với mục tiêu của Fed. Điều này đồng nghĩa rằng khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3 và tháng 4 là rất thấp, thậm chí gần như không có. Thay vào đó, thị trường đang đặt cược nhiều vào khả năng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.
Hồi tháng 1, các nhà đầu tư ở Phố Wall đã sửng sốt khi báo cáo CPI tháng 12 đưa ra những con số cao hơn dự báo - điểm dữ liệu khiến họ phải từ bỏ kỳ vọng rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 3. Sau đó, các quan chức Fed cũng đưa ra những phát biểu mang tính thận trọng hơn về nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Chúng tôi không cho là xu hướng lạm phát sẽ tăng tốc trở lại trong năm nay. Nhưng tiến trình giảm lạm phát kém rõ ràng hơn trong mấy tháng tới có thể sẽ khiến Fed tiếp tục chờ đợi cho tới khi có đủ tin tưởng rằng lạm phát đang trên đà giảm về mục tiêu một cách bền vững”, nhà kinh tế trưởng Sarah House của ngân hàng Wells Fargo nhận định trong một báo cáo.
Vào đầu mùa đông vừa rồi, giá năng lượng giảm đã gây áp lực giảm lên lạm phát toàn phần của Mỹ. Tuy nhiên, theo ước tính của Wells Fargo, giá dịch vụ năng lượng đã tăng 4% trong tháng 2, dẫn tới giá bán lẻ xăng dầu tăng. Dữ liệu của công ty AAA cho thấy giá bán lẻ mỗi gallon xăng loại thường ở Mỹ đã tăng bình quân khoảng 0,2 USD, tương đương tăng hơn 6%, trong tháng 2 so với tháng 1.
Báo cáo của Wells Fargo cũng chỉ ra rằng đà giảm giá hàng hoá nói chung đã chững lại dù các nút thắt trong chuỗi cung ứng tiếp tục được giải toả và áp lực từ lãi suất cao cũng giảm bớt. Tuy nhiên theo báo cáo, giá giảm ở các nhóm du lịch, y tế và một số dịch vụ khác đã giúp ghìm chỉ số lạm phát.
Dù vậy, Wells Fargo vẫn nâng dự báo lạm phát cả năm. Các nhà kinh tế học của ngân hàng này dự báo CPI lõi cả năm nay của Mỹ là 3,3%, cao hơn 0,5 diểm phần trăm so với lần dự báo trước. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn - được Wells Fargo dự báo ở mức 2,5% cả năm nay, so với mức 2,2% đưa ra trong lần dự báo trước.
Wells Fargo không phải là tổ chức dự báo duy nhất cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ giảm chậm hơn trong năm nay.
FED SẼ GIẢM LÃI SUẤT VÀO THÁNG 6?
Trong cuộc khảo sát người tiêu dùng tháng 2, Fed chi nhánh New York phát hiện người tiêu dùng giữ nguyên kỳ vọng lạm phát trong 1 năm tới ở mức 3%, nhưng tăng kỳ vọng về lạm phát trong 3 và 5 năm tới lên 2,7% và 2,9%. Cả hai con số này đều cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Việc giá xăng dầu tăng trong tháng 2 có thể đóng một vai trò lớn trong biến động kỳ vọng lạm phát trong cuộc khảo sát của Fed New York. Nhưng trên thực tế, kỳ vọng của người tiêu dùng về việc tăng giá xăng dầu là tương đối thấp.
Một chỉ số của Fed chi nhánh Atlanta về sự dai dẳng của lạm phát giữ ở mức 4,6% trong kỳ 12 tháng bắt đầu từ tháng 1 năm nay. Thước đo này bao gồm các nhóm hàng hoá dịch vụ như bảo hiểm và nhà ở. Giới chức Fed hy vọng rằng giá nhà ở sẽ giảm dần trong năm nay, giải toả bớt áp lực lạm phát.
Báo cáo CPI - đặc biệt là số liệu CPI lõi - là một trong số những điểm dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng cuối cùng được công bố trước cuộc họp tháng 3 của Fed. Lạm phát không cao hơn dự báo sẽ là cơ sở để Fed cắt giảm lãi suất quỹ liên bang vào tháng 6 như thị trường hiện đang dự đoán. Thị trường đang cho rằng khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 là trên 70% - theo FedWatch Tool.
Ông Stephen Juneau, nhà kinh tế tại công ty chứng khoán Bank of America Securities, viết trong một báo cáo: “Nhìn chung, một báo cáo lạm phát phù hợp với kỳ vọng sẽ giúp Fed đi đúng hướng trong việc bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6. Nhưng nếu CPI lõi cao hơn kỳ vọng, điều đó sẽ làm tăng khả năng Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất muộn hơn”.
Các báo cáo lạm phát Mỹ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư vì các số liệu này có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của Fed.
Bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed dồn dập tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ 5,25-5,5% và duy trì ở mức này để chống lại sự leo thang của lạm phát sau đại dịch Covid-19. Hiện nay, lạm phát toàn phần tính của Mỹ theo chỉ số CPI đã giảm hơn 2/3 từ mức đỉnh kể từ năm 1982 là 9,1% thiết lập vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, các quan chức Fed còn đang cân nhắc về thời điểm thích hợp cho việc giảm lãi suất.
Sau báo cáo CPI, Cục Thống kê lao động Mỹ tiếp tục công bố một báo cáo lạm phát khác là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ năm tuần này. Cuộc họp tháng 3 của Fed sẽ diễn ra vào ngày 19-20/3.