07:30 28/07/2021

Nhà đầu tư đợi tin Fed, chứng khoán Mỹ tụt khỏi mức kỷ lục

Bình Minh

Tâm điểm của sự chú ý đang hướng tới cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào lúc 2h chiều ngày thứ Tư theo giờ Washington, tức vào 1h sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm khỏi mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/7), khi một loạt nhân tố bất lợi gồm sự bán tháo cổ phiếu các công ty Trung Quốc, mối lo về tăng trưởng kinh tế, và cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến nhà đầu tư thận trọng và chốt lời.

Tâm lý lo sợ về việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đã khiến chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh trước đó cùng ngày, kéo thị trường toàn cầu giảm theo, trong khi mức độ biến động giá cổ phiếu tăng mạnh. Tại Phố Wall, từ tâm trạng lạc quan trong những phiên trước, nhà đầu tư cũng chuyển sang “thủ thế”, một mặt nghe ngóng thông tin từ Bắc Kinh, một mặt chờ tuyên bố của Fed sau cuộc họp hai ngày vừa bắt đầu vào đêm qua theo giờ Việt Nam.

Tâm điểm của sự chú ý đang hướng tới cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào lúc 2h chiều ngày thứ Tư theo giờ Washington, tức vào 1h sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam. Những nội dung được quan tâm nhiều nhất trong các phát biểu của ông Powell bao gồm lạm phát, tăng trưởng kinh tế, lãi suất, và thời điểm mà Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản.

Một số nhà đầu tư lo ngại rằng biến chủng Delta của Covid-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt có thể chặn đứng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, vào đúng thời điểm mà lạm phát ở một số quốc gia như Mỹ đang tăng tốc nhanh hơn dự báo. Phục hồi ngưng trệ và sức ép giá cả tăng cao sẽ gây thách thức cho chính sách tiền tệ, buộc các ngân hàng trung ương phải cân bằng giữa hai mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát giá cả.

“Đang có một số mối lo về chính sách tiền tệ”, nhà sáng lập Peter Kenny của Kenny’s Commentary nhận định. “Chắc chắn Fed đang đứng trước một bài toán khó là lạm phát. Có vẻ như lạm phát không phải là một vấn đề tạm thời”.

Giới phân tích đồng tình rằng lãi suất thấp mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán và bất kỳ dấu hiệu nào về việc Fed thắt chặt chính sách sớm hơn dự báo – dù là nâng lãi suất hay giảm chương trình mua tài sản – đều có thể khiến thị trường chứng khoán chao đảo.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,2%, còn 35.059 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,5%, còn 4.401 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,2%, còn 14.660 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 12/5.

Phiên này, Nasdaq gặp bất lợi khi có những đánh giá cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của các cổ phiếu công nghệ đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu.

Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu đóng cửa với mức giảm 0,54% và MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu sụt 0,81%.

Mức giảm của chứng khoán Mỹ còn khiêm tốn nếu so với mức giảm của chứng khoán Trung Quốc phiên ngày thứ Ba. Chỉ số CSI 300 của cổ phiếu blue-chip tại Trung Quốc đại lục sụt 3,5%, Hang Seng Tech Index của cổ phiếu công nghệ niêm yết tại Hồng Kông sụt 8%, nâng tổng mức giảm trong 3 ngày lên 17%.

Trên thị trường dầu thô, tâm lý bi quan cũng lấn át phiên này, khiến giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm gần 0,4%, chốt ở 71,65 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,03%, còn 74,48 USD/thùng.

Trái lại, giá Bitcoin duy trì đà tăng của những phiên gần đây. Lúc hơn 7h theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 39.142 USD, tăng 4,5% so với cách đó 24 tiếng.