Nhà đầu tư lo ngại chu kỳ điều chỉnh, chứng khoán Mỹ phục hồi bất thành
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (19/8), khi đón nhận những số liệu kinh tế tốt xấu đan xen và tâm lý ngại giao dịch trong tháng 9 của nhà đầu tư...
Giá dầu thô cũng ít biến động khi mối lo về cơn bão trên Vịnh Mexico giảm xuống.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm gần 0,2%, còn 34.751,32 điểm. S&P 500 giảm gần 0,2%, còn 4.473,75 điểm. Nasdaq tăng hơn 0,1%, đạt 15.181,92 điểm.
Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy doanh thu bán lẻ ở Mỹ tăng 0,7% trong tháng 8 so với tháng 7, thay vì giảm 0,8% như dự báo trước đó của giới phân tích. Tuy nhiên, số liệu doanh thu bán lẻ tháng 7 được điều chỉnh thành giảm 1,8% so với tháng 6, thay vì tăng 0,5% như công bố lần đầu.
Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua ở Mỹ tăng lên 332.000, cao hơn so với con số dự báo 320.000.
“Nền kinh tế đang được cho là giảm tốc dưới sức ép từ biến chủng Delta. Sự kết hợp giữa tính mùa vụ là thị trường thường xấu trong tháng 9 hàng năm, cộng thêm mối lo lạm phát, khiến nhà đầu tư lo ngại”, giám đốc chiến lược Jim Paulsen của Leuthold Group nhận định với CNBC.
Giới đầu tư chứng khoán Mỹ có câu “sell in May, buy in September” (“hãy bán vào tháng 5, và mua khi tháng 9”), nhưng câu nói này có vẻ không được các nhà đầu tư tin tưởng ở thời điểm hiện tại. Tính từ đầu tháng, Dow Jones đã giảm 1,7%; S&P 500 giảm 1,1%, và Nasdaq trượt 0,5%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London đóng cửa với mức tăng 0,21 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, đạt 75,67 USD/thùng. Giá dầu WTI chốt ở mức 72,61 USD/thùng, bằng với mức giá đóng cửa của phiên trước.
Giá của cả hai loại dầu đều đang ở vùng cao nhất trong 1 tháng ruỡi.
“Giá dầu đã quay trở lại mức đỉnh của mùa hè. Một số nhà đầu tư đang chốt lời. Nhưng đợt tăng giá dầu này vẫn được hỗ trợ”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc Oanda phát biểu.
Cơn bão Nicholas đã quét qua bang Texas, nhưng không để lại thiệt hại lớn như dự báo trước đó. Hoạt động sản xuất dầu của Mỹ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi cơn bão này. Do đó, mối lo về nguồn cung cũng bớt căng thẳng.
Giá dầu gần đây chịu áp lực giảm khi biến chủng Delta hoành hành trên toàn cầu. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tin rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ sớm khởi sắc trở lại khi chiến dịch tiêm chủng tiếp tục được đẩy nhanh và các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Giá dầu cũng đang được nâng đỡ do giá điện tăng mạnh ở châu Âu. Giá điện ở châu Âu leo thang do một số yếu tố gồm tồn kho khí đốt thấp và nguồn cung cấp khí đốt thấp hơn bình thường từ châu Âu.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng 45%, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, cộng thêm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ dầu sau đợt giảm chóng mặt vì Covid vào năm ngoái.