06:00 29/12/2021

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục nhưng không đủ để thành câu chuyện lớn

Mặc dù bán ròng kỷ lục nhưng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng trong năm 2021...

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Phúc.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Phúc.

Tại buổi Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật nhất năm 2021, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có những nhận định về đà tăng trưởng của thị trường thời gian vừa qua.

Theo ông Dũng, từ nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều ngân hàng trung ương các nước bắt đầu hạ lãi suất và đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế. Trong bối cảnh "bình thường mới" như vậy, làn sóng nhà đầu tư F0 đã hình thành.

Điển hình như tại Mỹ, mặc dù số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán vốn đã chiếm số lượng lớn trên tổng dân số, nhưng vẫn có nhiều người mới tham gia, thậm chí còn tăng kỷ lục.

Tương tự, tại Việt Nam, con số 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới là một kỷ lục. Đáng chú ý, chất lượng tài khoản mở mới cũng cao hơn hẳn so với trước kia về quy mô giao dịch và tỷ lệ ký quỹ (vay margin).

Mặt khác, ông Dũng cho rằng, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt mức kỷ lục nhưng không đủ để thành một câu chuyện lớn. Lý giả về nhận định này, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đưa ra 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút ròng khoảng 1,2 tỷ USD tăng, mức không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Đồng thời, dữ liệu này cũng cho thấy rằng, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng nhưng vẫn giữ tiền khá nhiều tại thị trường trong nước.

Thứ hai, đến thời điểm hiện tại, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Hiểu đơn giản, rút ròng nhưng tài sản trên thị trường chứng khoán của họ vẫn tăng.

"Với việc vốn ngoại rút ròng không đáng lo ngại và dòng tiền nội trỗi dậy mạnh mẽ, thị trường chứng khoán đã có những phiên giao dịch bùng nổ", ông Dũng phân tích.

Chia sẻ thêm về dự báo thị trường thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước tỏ ra khá quan ngại đối với lạm phát khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ dần hiện hữu tại ngân hàng trung ương các nước. 

"Hiện nay, nguy cơ lạm phát đến trực tiếp từ chính sách tiền tệ chưa nhiều, nhưng gián tiếp thì nhiều rồi. Ví dụ như giá dầu, giá vận chuyển… khiến chi phí doanh nghiệp tăng và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp", ông Dũng nhìn nhận.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang chững lại. Cụ thể, hơn 80% doanh nghiệp niêm yết vẫn có lãi, tuy nhiên trong quý 2/2021, lợi nhuận doanh nghiệp tăng 67%; đến quý 3/2021 chỉ tăng trưởng 33% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, Tư lệnh ngành chứng khoán cũng lo lắng về dịch bệnh Covid-19 khi tiếp tục diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đối với biến chủng Omicron vừa xuất hiện tại Việt Nam.

Sang năm 2022, với tư cách là cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, để góp phần phát triển thị trường, ông Dũng cho biết, Uỷ ban Chứng khoán đã trình Bộ Tài chính về chiến lược phát triển 10 năm theo hướng đi vào chiều sâu.

"Trước đây, chúng ta hướng tới phát triển nhiều sản phẩm thì giờ chuyển sang tập trung về chất lượng, thể hiện bằng luật chứng khoán mới...", ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng mong rằng, Sở Giao dịch Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai không phụ thuộc chỉ số VN30.

"Nếu tập trung vào một sản phẩm, đôi khi có những cái bất thường. Hiện tại một số điểm bất thường đã xuất hiện trong phiên đáo hạn phái sinh", ông Dũng nói.