14:42 27/03/2023

Nhà ở cho thanh niên công nhân: Cần giải pháp căn cơ

Ban Mai

Nhiều chính sách của Chính phủ đã và đang được triển khai để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới, giúp công nhân mua được nhà, yên tâm công tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nhà ở cho công nhân, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội còn thiếu rất nhiều. Theo Bộ Xây dựng, quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trên cả nước mới bố trí được 3.359,07ha, đạt 36,34% so với nhu cầu, tính đến năm 2020. Hiện cả nước đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 7,3 triệu m2 sàn.

NHU CẦU AN CƯ ĐỂ LẠC NGHIỆP

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến nay, có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở (tương đương 840.000 người). Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, cụ thể đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Đang tiếp tục triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.

Vấn đề “an cư lạc nghiệp” để giữ chân người lao động gắn bó với công việc lâu dài đang là bài toán nan giải được nhận thức rõ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.

Phát biểu tại hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0", anh Nguyễn Văn Linh, Công ty xây lắp 1, Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam chia sẻ rằng thanh niên công nhân đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở, nhu cầu thuê nhà của thanh niên công nhân là rất lớn. Nếu có nhà để mua thì thanh niên công nhân rất muốn được vay để mua nhà trả góp với lãi suất thấp.

“Kính đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ ở các địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc không lãi suất để thanh niên công nhân có thể mua được nhà ở xã hội?”, anh Linh nhấn mạnh.

Về nhà ở cho công nhân, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó, đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, giải pháp đầu tư về vấn đề này…

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, theo Nghị quyết 33 và chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, phải khẩn trương sửa đổi và sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để Quốc hội thảo luận vào kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới. Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ 01/7/2024. Ngoài ra, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Nghị quyết về “thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế; vấn đề dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vấn đề liên quan ưu đãi, tiến triển sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư…

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra. Đây là một đề án cụ thể, sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách có hiệu quả.

Thứ ba, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2%/năm để các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới cũng như hỗ trợ người mua trong thời gian tới.

 
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đối với các chính sách thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội có 2 gói hỗ trợ gồm gói 40.000 tỷ  đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2%/năm để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15.000 tỷ đồng giao Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay, trong đó có đối tượng thanh niên công nhân trên toàn quốc vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Những chính sách rất cụ thể và thiết thực được triển khai để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới, giúp công nhân mua được nhà, yên tâm công tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Nhấn mạnh về nhu cầu "an cư lạc nghiệp", Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người, với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là về chỗ ở, ổn định việc làm. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ cho biết thêm, thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho các đối tượng chính sách, người có công. Trong đó, nghiên cứu các hình thức mua, thuê, thuê mua, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… để hỗ trợ cả "đầu vào" (tức những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà), hỗ trợ cả "đầu ra" (người mua, thuê, thuê mua nhà) để phát huy nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, các bạn trẻ, tinh thần là giải quyết từng bước nhưng căn cơ vấn đề này.

ĐỀ XUẤT CÔNG ĐOÀN ĐƯỢC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN?

Để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, theo Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Cụ thể, dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (tỉnh Hà Nam) có quy mô 4,04 ha, với tổng số 976 căn hộ, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với số lượng khoảng hơn 300 căn hộ; dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An (tỉnh Tiền Giang) có quy mô 3,05 ha, với 998 căn hộ, hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở.

Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”; Có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".

Muốn làm được, Công đoàn đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, gồm: Luật Nhà ở (Điều 49, Điều 53, Điều 57, Điều 62, Điều 80, Điều 81), Luật kinh doanh bất động sản (Điều 10), Luật đất đai (Điều 54), Luật đầu tư công (Điều 5), Luật quản lý tài sản công (Điều 106)… theo các kiến nghị cụ thể do Tổng Liên đoàn đã gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành.