Nhận diện điểm nghẽn của ngành giáo dục
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được các chuyên gia giáo dục đánh giá là ổn định, có sự phân hóa và mang nhiều tín hiệu tích cực, tiến bộ so với trước. Tuy nhiên, nhìn kết quả điểm dưới trung bình, một số chuyên gia đã chỉ ra những điểm nghẽn của ngành giáo dục...
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2023 hầu như đã đạt được các mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra. Đó là bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng và kết quả cho thấy ổn định như các năm trước.
Tuy nhiên, phân tích kết quả kỳ thi một cách hợp lý đã cho thấy những điểm nghẽn của ngành giáo dục trong quá trình đổi mới giáo dục để hội nhập.
Do đây là kỳ thi tốt nghiệp, học sinh chỉ cần đạt điểm ở một mức nào đó là có thể tốt nghiệp, chứ không phải là một cuộc thi để chọn lọc, nên việc điều chỉnh đề thi là cần thiết.
Việc điều chỉnh này nhằm xác nhận học sinh đã đạt được một số kiến thức cơ bản để có thể trở thành công dân đáp ứng tốt hơn cho những nhu cầu của xã hội, bởi vậy, nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cao cũng là phù hợp.
Một số chuyên gia giáo dục cho biết qua phân tích, phổ điểm năm nay về cơ bản giữ được ổn định như năm ngoái và không có sự biến động quá lớn. Điều này đã không gây nên sự xáo trộn lớn đối với các thí sinh và phụ huynh, cũng như công tác xét tuyển vào đại học cho năm học này.
Cụ thể, môn Toán điểm 8 trở lên, nếu như năm ngoái chiếm tỷ lệ 21% thì năm nay tỷ lệ môn Toán có sự điều chỉnh, sự phân hóa tốt hơn, chỉ chiếm hơn 15%. Môn Vật lý, năm ngoái tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 22,74 %, năm nay chỉ có 21,3%. Môn Hóa học, tỷ lệ điểm giỏi của năm ngoái là 27,8%, năm nay chỉ đạt 22,6%. Đặc biệt, có hai môn rất đáng quan tâm đó là điểm Toán có số học sinh đạt dưới trung bình khá cao với 21,636% và môn Vật lý là 14,786%.
KẾT QUẢ KỲ THI LÀ ỔN ĐỊNH
Với môn Lịch sử, năm nay đề thi cũng có sự điều chỉnh nên số điểm 8 trở lên của môn này chỉ đạt 13% (năm ngoái tỷ lệ điểm 8 trở lên là 18%). Riêng môn Ngữ văn năm nay số điểm giỏi lại tăng lên, chiếm tỷ lệ này chiếm 46% (điểm giỏi năm ngoái là 42%). Trong khi đó, điểm dưới trung bình của môn Ngữ văn thấp nhất, chỉ có 7,302%.
Tuy nhiên, nhận xét kết quả môn Ngữ văn, môn Sử chỉ có thể nói lên ảnh hưởng của việc điều chỉnh đề thi, mà không thể kết luận rằng học sinh Việt Nam giỏi văn, thơ nhưng lại kém môn Lịch sử.
Đối với môn Tiếng Anh, tỷ lệ điểm giỏi tiếng Anh năm 2021 gần 20%, năm 2022 là 11,9%, năm nay tỷ lệ này chiếm 15,03%. Môn Giáo dục công dân, theo thống kê, năm ngoái số điểm giỏi chiếm 61,85% thì năm nay chiếm 61%. Mặc dù có nhiều điểm 10 hơn năm ngoái, nhưng năm nay thí sinh đạt điểm 8 trở lên môn Giáo dục công dân lại giảm hơn năm ngoái và cơ bản ổn định ở mức 61%. Các nhà giáo dục đều cho rằng tỷ lệ điểm giỏi như vậy thể hiện được năng lực của các em, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân đã tốt hơn.
Như vậy, các số liệu nêu trên đã chứng tỏ việc điều chỉnh đề thi đã có tác dụng giữ được sự ổn định và rất phù hợp nếu xét cả quá trình học và thi của học sinh. GS.TS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đó là điều rất tốt, không gây nên sự xáo trộn lớn đối với các thí sinh và phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học.
Điều đáng quan tâm ở đây là kết quả kỳ thi của các môn STEM (STEM: Science - Khoa học; Technology -Công nghệ; Engineer - Kỹ thuật; Math- Toán học) và tiếng Anh có số học sinh đạt dưới trung bình khá cao. Tại sao lại như vậy?
Nhìn kết quả các môn STEM trong kỳ thi này (như môn: Toán, Vật lý, Hóa học và môn tiếng Anh - công cụ trợ giúp đắc lực cho các môn STEM) và đặt nó trong mối tương quan với các môn thi khác khi điều chỉnh đề thi, chúng ta không khỏi lo lắng bởi các môn này tỷ lệ thí sinh có điểm giỏi giảm đi nhưng điểm dưới trung bình lại chiếm cao như: môn Toán có 21,636%, Vật lý có 14,786%, môn tiếng Anh có tới 44,833%.
ĐIỂM NGHẼN CẦN KHẮC PHỤC
Hiện, trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục STEM vừa mang ý nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ các môn học STEM, đó là các môn: Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học - đây là những môn học liên quan đến các vấn đề của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0).
Với yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp 4.0 hiện rất lớn nên các môn giáo dục STEM có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, nếu phân tích một cách thấu đáo kết quả kỳ thi cũng như nhìn cách dạy, học các môn này hiện nay ở trường phổ thông có thể thấy những điểm nghẽn của ngành giáo dục trong quá trình đổi mới để hội nhập.
Theo các chuyên gia giáo dục, STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn, đa môn và thông qua thực hành ứng dụng. Giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học và cũng là một cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị, biết cách mở rộng kiến thức,biết cách sửa chữa và giải quyết vấn đề dựa vào kiến thức đã học.
Với kết quả thi các môn STEM, tiếng Anh như vậy, vấn đề ở đây có thể là do việc dạy và học các môn này đang có những “điểm nghẽn”.
Việc “dạy” liên quan tới kết cấu chương trình học, sách giáo khoa và đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có trình độ cao hơn. Những vấn đề này, ngành giáo dục đang khắc phục theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, cách làm còn nhiều tranh cãi.
Rất khó để một giáo viên được đào tạo trong ba, bốn năm một chuyên ngành lại có thể đứng dạy tốt một môn tích hợp gồm ba, bốn chuyên ngành. Làm thế nào để đào tạo ra các giáo viên đa ngành để đáp ứng yêu cầu giảng dạy STEM hiện nay. Đội ngũ giáo viên, chuyên gia làm sao có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm để biên soạn sách giáo khoa, viết giáo trình tích hợp…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2023 phát hành ngày 14-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam