Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực giám sát, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch
Mục tiêu tổng thể của dự án được xây dựng bởi các chuyên gia Nhật Bản là Nâng cao tính hiệu quả, công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế sau 3 năm hoàn thành dự án.
Ngày 23/9, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo khởi động dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Mục tiêu tổng thể của dự án là Nâng cao tính hiệu quả, công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế sau 3 năm hoàn thành dự án.
Cụ thể, tăng cường năng lực giám sát và thanh kiểm tra thị trường; Tăng cường năng lực giám sát để nâng cao chất lượng của các định chế trung gian thị trường, Công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ; Chào bán cổ phiếu ra công chúng, hệ thống và quản lý niêm yết được tăng cường theo chuẩn mực quốc tế; Tăng cường năng lực của các định chế trung gian thị trường liên quan đến 3 đầu ra trên.
Với từng đầu ra dự kiến, chương trình sẽ có chính sách hoạt động riêng. Ví dụ, với đầu ra 1 giám sát thị trường, giám sát giao dịch không công bằng, chính sách ở đây là ngoài sự hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán và các Sở giao dịch, một hệ thống phát hiện ba cấp được thiết lập trong đó có sự tham gia của các công ty chứng khoán. Tại Nhật Bản và Hoa Kỳ, các tổ chức tự quản (SRO) tham gia vào việc phát hiện và kiểm tra dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, để giám sát thị trường, chương trình gợi ý cân nhắc việc xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin giao dịch, thông tin tài khoản giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch, các công ty chứng khoán.
Với đầu ra hai là giám sát và đào tạo các định chế trung gian thị trường, Dự án đưa ra chính sách hoạt động là hỗ trợ sửa đổi thông tư liên quan đến chứng chỉ tư cách của người hành nghề chứng khoán (Thông tư 197/2015); Thảo luận về khả năng sử dụng SRO cho các quy định kinh doanh khác; Hỗ trợ những sáng kiến về đào tạo nhà đầu tư của Uỷ ban Chứng khoán. Ở nhiều nước trên thế giới, đào tạo nhà đầu tư được triển khai như một phần của "đào tạo nâng cao hiểu biết về tài chính". Tại Nhật Bản, “Tổ chức xúc tiến giáo dục kinh tế tài chính” mới được thành lập vào năm 2024.
Đầu ra 3 là tăng cường và quốc tế hoá hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng, niêm yết và công bố thông tin: Cân nhắc quy trình thực hiện IPO đảm bảo phù hợp với Luật chứng khoán Việt Nam cũng như chuẩn mực quốc tế, tích hợp quy trình IPO với niêm yết; IPO mà nhà đầu tư là người nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân phổ thông cũng có thể tham gia; Cân nhắc đến các khía cạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chứng khoán như phí bảo lãnh phát hành; Sửa đổi Nghị định 155/2020 nếu cần thiết.
Ông Kawasaki Satoru, Phó cao ủy viên Phụ trách các vấn đề Quốc tế Cơ quan dịch vụ Tài chính Nhật Bản nhấn mạnh đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư là một rong những yếu tố quan trọng để thị trường chứng khoán diễn ra sôi động. Để đối phó với giao dịch nội gián, từ năm 1992, Nhật Bản đã thành lập Ủy ban Giám sát, ngoài chức năng kiểm tra các công ty chứng khoán, nếu có giao dịch nghi ngờ liên quan tới tội phạm thì tố cáo với Viện kiểm sát.
"Chúng tôi cũng đã sửa luật năm 2024, tăng cường xử phạt hành chính và triển khai hoạt động giám sát bằng cách thu thập thông tin trên thị trường, phân tích kiểm tra công ty chứng khoán, phạt nặng, khởi tố hình sự nếu có đủ căn cứ. Những hành động này nhằm ngăn ngừa hành vi bất chính trên thị trường", vị này nhấn mạnh.
Đối với vấn đề IPO, ông Kojima Kazunobu, Cố vấn trưởng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhấn mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản đang dành rất nhiều sự quan tâm cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chứng khoán tại Việt Nam là tham gia IPO, nhưng với quy trình thông qua đấu giá như hiện nay lại khiến họ khó tham gia. Hơn thế nữa, số lượng các công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây là khá hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này, ông Kojima cho rằng Việt Nam cần phải có một phương thức IPO mới có thể tương thích với các chuẩn mực quốc tế, như bảo lãnh phát hành, dựng sổ cần sớm được thiết lập. "Các công ty lớn và các công ty mới nổi có sức hút đầu tư tiến hành huy động vốn qua IPO (chào bán công khai lần đầu) và niêm yết thì một lượng lớn vốn nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam," ông Kojima Kazunobu nói.
Tại hội thảo, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ông Bùi Hoàng Hải nhấn mạnh, việc khởi động dự án là đúng lúc đúng thời điểm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá lại Luật chứng khoán và Nghị định 155.
Trong dự thảo Luật chứng khoán, cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều cải thiện cải tổ như tăng cường năng lực của các công ty chứng khoán; gia tăng trách nhiệm của các công ty chứng khoán tham gia giám sát thị trường; kết hợp IPO và niêm yết đang được dự thảo đưa vào...
"Vì vậy, tôi cũng mong các chuyên gia của dự án ngay lập tức bắt tay vào việc rà soát luật chứng khoán để thực hiện cải tổ cải tiến trong Luật Chứng khoán và Nghị định 155", ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển đạt quy mô tương đồng với các thị trường khác trong khu vực ASEAN. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận thức đến thời điểm hiện nay cần tập trung phát triển mạnh hơn về chất lượng thị trường.
"Dự án lần này cần thiết phù hợp với nhu cầu của Uỷ ban Chứng khoán, nâng cao tính hiệu quả thị trường sơ cấp, tăng cường khả năng tổ chức trung gian, tăng cường chức năng của hiệp hội trong việc hỗ trợ Ủy ban chứng khoán giám sát thị trường, Để đạt được những kết quả này, thời gian tới Ủy ban chứng khoán sẽ thực hiện các kế hoạch, nội dung dự án đảm bảo tiến độ chất lượng thực hiện dự án", ông Bùi Hoàng Hải nói.