15:16 25/10/2022

Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Trâm Anh

Hiện còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước...

Hằng năm, nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước.
Hằng năm, nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước (Nghị định số 70/2018).

Dự thảo với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung về: xử lý tài sản trang bị khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ trường hợp ngân sách cấp, ngân sách hỗ trợ; giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ…

Hằng năm, nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước.

Do đó, để quản lý, xử lý tài sản được hình thành từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Nghị định số 70/2018 được ban hành và là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, xử lý đối với tài sản công là tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện dù thu được những kết quả ban đầu, song cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Bộ Tài chính chỉ rõ một là, theo quy định tại Điều 1, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 70/2018, phạm vi điều chỉnh của nghị định này áp dụng đối với tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt tiêu chuẩn là tài sản cố định. Tuy nhiên, chưa có quy định xử lý đối với tài sản không đủ điều kiện, tiêu chuẩn là tài sản cố định.

Hai là, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15) vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung quy định về trao quyền đăng kí sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn (Điều 86a).

Đồng thời sửa đổi, bổ sung, điểm a khoản 4 Điều 105 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14 như sau: “a) Giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ để phát huy kết quả của nhiệm vụ hoặc sử dụng tài sản để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ; trừ trường hợp kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng thì việc giao quyền được thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ”.

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định nêu trên của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Tài chính cho rằng cần rà soát lại phạm vi áp dụng của Nghị định số 70/2018.

Ba là, một bất cập khác được Bộ Tài chính chỉ rõ là về phân loại tài sản khi chưa có quy định rõ tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước xử lý theo quy định tại Nghị định số 70/2018 là sản phẩm cuối cùng của quá trình nghiên cứu hay tài sản là kết quả của các giai đoạn trung gian.

Chẳng hạn, để nghiên cứu quy trình trồng 1 giống cây mới qua nhiều công đoạn, trong đó, có công đoạn thực nghiệm trồng trên vườn ươm, có thể sử dụng vườn ươm do tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia trong quá trình nghiên cứu. Kết quả công đoạn này sẽ có 1 cây nhưng kết quả cuối cùng là báo cáo quy trình trồng giống cây mới…

Bốn là, vướng mắc liên quan đến bán phần sở hữu của Nhà nước về tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ngân sách hỗ trợ khi chưa có quy định về việc tổ chức bán tài sản, tổ chức thẩm định giá, tổ chức Hội đồng thẩm định giá.

Năm là, về xử lý tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và thực tế phát sinh cho thấy, nhiều trường hợp tổ chức, chủ trì thực hiện nhiệm vụ không có nhu cầu được giao tài sản hoặc giao quyền sử dụng tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp mà không có quy định giao tài sản cho đối tượng khác.

Trong khi đó, có các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, không phải là tổ chức, cá nhân chủ trì lại có nhu cầu nhận giao tài sản để quản lý, sử dụng, khai thác theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công...

Trước những bất cập, vướng mắc kể trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi cách xử lý tài sản khi kết thúc nhiệm vụ khoa học công nghệ ngân sách cấp.

Chẳng hạn, về giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trường hợp đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp, tại khoản 12 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 70/2018/NĐ-CP theo hướng: "Bổ sung quy định giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định cụ thể tại Quyết định giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ"...